Trong video đầu tiên trên TikTok, Giáo sư Benedetta Allegranzi, chuyên gia hàng đầu về phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm của WHO, đã chia sẻ về các biện pháp để bảo vệ bản thân trước sự bùng phát của virus corona và hướng dẫn người dùng cập nhật thông tin qua trang web chính thức của tổ chức.
"Chúng tôi tham gia TikTok để cung cấp cho bạn lời khuyên kịp thời và đáng tin cậy về sức khỏe cộng đồng", WHO viết trong phần mô tả video.
Trước đó, TikTok đã tràn ngập "meme" về virus corona, thậm chí nhiều người dùng giả vờ mắc bệnh.
Việc WHO tham gia mạng xã hội video ngắn này có thể giúp người dùng cập nhật thông tin chính xác lên quan đến virus corona. MIT Technology Review cho biết, WHO cùng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã mất nhiều tuần để ngăn thông tin sai lệch phát tán trên Facebook, Twitter, TikTok và các nền tảng của Tencent.
Trước tình trạng tin giả hoành hành, Google đã ưu tiên hiển thị thông tin từ WHO lên đầu kết quả tìm kiếm về virus corona. Facebook bổ sung hướng dẫn truy cập trang web của các tổ chức y tế trên New Feeds của người dùng. Khi tìm kiếm từ khóa "virus corona", Twitter sẽ khuyến cáo cập nhật thông tin từ tổ chức y tế địa phương và thế giới. Còn TikTok liên kết người dùng tìm kiếm nội dung liên quan tới trang web của WHO. Tất cả các nền tảng mạng xã hội đều cam kết xóa tin giả liên quan đến virus corona, tương tự cách xử lý nội dung phản đối vaccine từ vài năm qua.
The Verge nhận xét, WHO đã cho thấy bước tiến khi công bố thông tin xác thực trên những nền tảng mạng xã hội khác nhau.
Việt Anh (theo The Verge)