Ba hãng công nghệ lớn từ lâu đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống tin giả liên quan tới sức khỏe cộng đồng. Năm ngoái, họ phải xử lý nhiều bài viết, hình ảnh và video phản đối tiêm vaccine. Thống kê của Đại học Kingston (Anh) cho thấy, hơn 60% thông tin sai lệch lan truyền trên các nền tảng liên quan đến vấn đề sức khỏe. Dịch viêm phổi do virus corona mới bùng phát tại Trung Quốc tiếp tục đặt ra thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát tin giả.
Tuần trước, Facebook và các mạng xã hội khác đã mạnh tay xử lý thuyết âm mưu rằng virus corona là vũ khí sinh học do chính phủ phát triển. Các chuyên gia đánh giá, tin giả rất khó kiểm soát do chúng lan truyền qua các nhóm kín.
Theo Washington Post, bảy đối tác của Facebook đã tiến hành 9 quy trình kiểm chứng trong vài ngày qua và phát hiện hàng loạt tin sai sự thật về virus corona, trong đó có một số phương pháp tự điều trị bệnh viêm phổi Vũ Hán. Facebook cho biết sẽ hạ thứ hạng tài khoản phát tán tin thất thiệt trong nguồn cấp dữ liệu và cảnh báo người dùng về thông tin không chính xác.
Twitter cũng bắt đầu khuyến cáo người dùng cập nhật tình hình dịch bệnh qua cổng thông tin chính thức của các tổ chức y tế địa phương và thế giới từ ngày 27/1. Trong khi đó, Google sử dụng thuật toán để ưu tiên hiển thị kết quả tìm kiếm đáng tin cậy trên Google Search và YouTube.
Mối đe dọa về tin giả phản ánh mặt trái của mạng xã hội, nơi bất cứ ai cũng có thể tạo cộng đồng riêng và bày tỏ quan điểm cá nhân về mọi chủ đề quan trọng trong cuộc sống, nhất là vấn đề sức khỏe. Dù có chủ ý hay do hiểu lầm, hành vi này cũng góp phần làm sai lệch thông tin, khiến việc kiểm soát khủng hoảng càng trở nên khó khăn.
"Tin tức giật gân luôn thu hút công chúng và trở thành xu hướng trên mạng xã hội", Renee DiResta, Giám đốc nghiên cứu của Stanford Internet Observatory, nhận định. "Vì vậy, các nền tảng chắc chắn sẽ phải tăng cường kiểm chứng và dùng thuật toán để hạn chế thuyết âm mưu. Nội dung giả mạo không hiếm gặp. Chúng xuất hiện khi bất kỳ dịch bệnh mới nào bùng phát".
Facebook, Twitter và Google được coi như "người bảo vệ" trong cuộc chiến chống tin giả về virus corona. Mark Zuckerberg, CEO Facebook giải thích, công ty chịu trách nhiệm "tẩy độc" thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, đồng thời phải hạn chế tác động của các cuộc tranh cãi trực tuyến tới thế giới thực. Cả ba công ty đều ban hành chính sách cụ thể với các bài đăng liên quan đến vấn đề sức khỏe, nhưng chưa thể cân bằng giữa việc duy trì quyền tự do ngôn luận trên thế giới số với việc làm hài lòng các nhà chức trách.
Ví dụ, Facebook mất nhiều tháng trước khi mạnh tay với nội dung thất thiệt về vaccine và bệnh tự kỷ. Trong khoảng thời gian đó, nhiều tổ chức và cá nhân đã chia sẻ rộng rãi các bài viết xuyên tạc sự thật trên nền tảng. Tương tự, Google đã điều chỉnh thuật toán kiểm duyệt video phản đối vaccine trên YouTube năm ngoái. Twitter cũng chuyển hướng người dùng tới các nguồn thông tin đáng tin cậy hơn. Nhưng thực tế, tin giả vẫn xuất hiện tràn lan trên các nền tảng này, khiến các mạng xã hội liên tục bị chỉ trích.
Bốn năm trước, nhóm nghiên cứu của Đại học Y Wisconsin (Mỹ) cho biết, các bài xuyên tạc về virus Zika vượt trội so với thông tin chính thức. Thống kê này làm tăng mối lo ngại đối với các nền tảng trực tuyến khi virus corona bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc. "Chúng ta đang đối mặt với tình trạng thiếu thông tin được kiểm chứng trên mạng xã hội. Vấn đề này đã được xem xét, nhưng vẫn còn rất nhiều tin giả liên quan đến tình hình lây lan của virus", Joan Donova, Giám đốc dự án nghiên cứu sự thay đổi của công nghệ và xã hội tại Shorenstein Center, nói.
Hàng nghìn người dùng Facebook đang tham gia vào các nhóm (group) mới được thành lập để trao đổi ý kiến cá nhân về virus corona, hình thành bong bóng thông tin khó kiểm chứng. Andy Stone, phát ngôn viên của Facebook cho biết: "Tình trạng này đang tăng rất nhanh và chúng tôi sẽ cần sự hỗ trợ của các tổ chức y tế địa phương và thế giới".
Trong một số trường hợp, bài đăng liên kết tới các video trên YouTube, như một video dài 11 phút với hơn 20.000 lượt xem phát tán tin thất thiệt rằng virus đã khiến 180.000 người Trung Quốc thiệt mạng. Farshad Shadloo, phát ngôn viên của YouTube, cho biết họ đã đầu tư để nâng cao chất lượng nội dung và giảm thiểu tin giả, nhưng từ chối đề cập biện pháp cụ thể.
Katie Rosborough, phát ngôn viên của Twitter, nhấn mạnh Twitter đã triển khai trên toàn cầu tính năng tự động đề xuất nguồn thông tin có thẩm quyền cho người tìm kiếm từ khóa "virus corona".
Việt Anh tổng hợp