Năm 2019, HLV Lê Thụy Hải bất ngờ xuất hiện trong một hội thảo phát triển thể chất học đường ở Đà Nẵng. Lúc ấy, ông đang điều trị ung thư. Ai cũng nhận ra tình trạng sức khỏe của ông qua bộ dạng tiều tụy và thông tin trên báo đài trước đó. Khi được hỏi "Sao chưa khỏe, ông đã nhận lời đi sự kiện?", cựu HLV của Bình Dương, Thể Công, Thanh Hoá... đáp: "Tôi dạy người lớn đá bóng nhiều năm nên không được sống theo cách mình muốn, giờ có cơ hội nói chuyện về giáo dục trẻ em, về thể chất học đường nên phải tranh thủ. Hơi mệt nhưng vui vì được tiếp xúc với người làm giáo dục".
Hóa ra, ông Hải "lơ" cũng quan tâm tới giáo dục, một khía cạnh quan trọng trong việc huấn luyện bóng đá đỉnh cao tại các quốc gia phát triển, lại là thứ duy nhất ông không áp dụng trong suốt những năm bôn ba ở làng bóng Việt Nam. Ông nói: "Tôi thích giáo dục nhưng cuộc đời huấn luyện chưa bao giờ coi đó là phương pháp đem tới hiệu quả chuyên môn".
Hỏi vì sao lại có thứ logic ngược đời ấy, ông đáp rằng "muốn" là khái niệm không tồn tại ở bóng đá Việt Nam. Bóng đá Việt Nam với cựu tiền vệ Tổng cục Đường Sắt là nơi tất cả đều chi rất nhiều tiền, nhưng không ai học cách ứng xử đúng mực với những đồng tiền bỏ ra. "Hoặc là họ không biết làm bóng đá, hoặc là họ nghĩ rằng vì có tiền nên thích làm bố thiên hạ cũng được", ông Hải đúc kết. Trong cái thế giới hỗn loạn và nhiễu nhương này, ông không thể sắm vai chính diện. "Khi cỗ máy được vận hành dựa trên các nguyên tắc bất bình thường, bạn mới là người bất bình thường nếu cố làm một người bình thường". Với bối cảnh thực tế và quan điểm sống này, ông Hải chấp nhận bỏ đi tính "giáo dục" trong 15 năm dẫn dắt các CLB V-League.
"Có phải vì bỏ qua tính giáo dục nên ông bị xem là HLV ngang tàn, thậm chí là đôi lúc ứng xử giang hồ trong cách quản trị tập thể? Và có phải bởi thế nên sự nghiệp của ông từng đối diện với những tình huống oái oăm, như giai thoại bị một cầu thủ rượt đuổi khắp sân tập?", tôi đặt ra câu hỏi ấy với tâm thế kỳ vọng sẽ nhận lại một câu trả lời "xóc óc" đúng chất Lê Thụy Hải. Bấy giờ, ông Hải không phản ứng, có lẽ vì ông tránh đề cập tới một mảng tối không bao giờ muốn bới lại. Nhưng ông lại kể một câu chuyện hồi dẫn dắt Ninh Bình để lột tả bóng đá Việt Nam. Không sốc như nhiều truyền thuyết lưu truyền trong giới, nhưng đủ hàm lượng thông tin để truyền tải thông điệp.
Hôm ấy, Ninh Bình tập buổi cuối trước trận gặp Thanh Hóa. Ông Hải yêu cầu tăng cường cường độ bài khởi động. Cả đội răm rắp làm theo, riêng tiền đạo Gustavo chống đối ra mặt. "Tôi bảo cậu ta chạy nhưng Gustavo cố tình đứng đực mặt ra, chân vờn vờn quả bóng. Tôi nghĩ trong đầu ca này khó rồi, nhưng phải có cách trị cho hắn bài học nhớ đời".
Gustavo là một trong những hợp đồng tiền tỷ ông bầu Trần Tiến Đại đưa về Ninh Bình 11 năm trước. Tính cách lập dị, ăn uống phản khoa học, bụng to như trống nhưng bù lại, Gustavo là tiền đạo có đẳng cấp trong môi trường V-League. Bỏ Gustavo, Ninh Bình xem như mất 30% sức mạnh nhưng giữ lại cậu ta thì cái uy của ông Hải không còn. Nghĩ một hồi, ông quyết định "tạm" bỏ qua, chờ hết vòng mới "xử" gã Tây nổi loạn này.
Vòng đấu ấy, Gustavo ghi bàn. Trong buổi tập thả lỏng sau trận, ông Hải mới nói Gustavo hôm nay không phải tập trên sân, vào phòng thể chất nâng tạ thả lỏng là được vì hôm qua mất nhiều sức quá. Gustavo hí hửng tưởng thật, ai dè vừa vào phòng thấy điện bị tắt, bên ngoài có người lập tức khóa trái cửa. Ông Hải để Gustavo một mình trong bóng tối suốt 20 phút, mặc cho gã kêu gào thảm thiết mới chịu mở cửa. Sau hôm đó, Gustavo nhìn ông Hải bằng con mắt khác. "Hắn ta hiểu là không đùa với ông già này được đâu", ông nhớ lại.
Lê Thụy Hải, trong đoạn hội thoại đấy, thừa nhận phương pháp quản trị này có nhiều mặt trái, nhưng nó là con đường phù hợp với "lựa chọn của đám đông". Theo giải thích của ông, đám đông thường đại diện cho cái... sai. "Đám đông sai nên số người giàu mới ít hơn số người nghèo trong xã hội. Đám đông sai nên mới tạo ra những tỷ phú trên sàn chứng khoán. Đám đông lại càng sai trong bóng đá đỉnh cao vì mỗi năm chỉ có một đội vô địch quốc gia. Có điều, xã hội lại vận hành bằng ý chí đám đông và trong môn chơi có tính tập thể cao như bóng đá, các quyết định được đưa ra dựa trên đặc tính đám đông", lý giải của ông Hải về phương pháp huấn luyện ông tự nhận là "phản khoa học".
Cũng vì lựa chọn của đám đông nên lịch sử bóng đá nhà nghề Việt Nam, Lê Thụy Hải mới là HLV đầu tiên nhận lót tay. Ngày yêu cầu Bình Dương phải trả tiền lót tay một tỷ đồng một năm, ông lấy dẫn chứng trên thế giới người ta trả tiền lót tay cho HLV, tại sao Việt Nam không làm được. Thực chất, đó là câu ông Hải "chém" nhằm tạo thế "cửa trên" trên bàn đàm phán. Chẳng HLV hay cầu thủ nào ở đẳng cấp thế giới nhận lót tay, nhưng bóng đá Việt Nam – một đám đông hỗn loạn – đã tạo ra tiền lệ, tạo ra luật bất thành văn ấy. Khi ông Hải nói ra yêu cầu, đám đông tưởng rằng thông tin đó là đúng đắn mới gật đầu cái rụp trả tiền cho ông. "Hồi đó, tôi nhận số tiền lớn vừa là vì năng lực của tôi xứng đáng nhưng còn là bởi những người sử dụng lao động bị ý chí và thói quen của đám đông điều khiển. Nếu tôi nói là tôi giỏi nên tôi xứng đáng, chẳng ai quan tâm đâu", ông Hải vừa nói vừa tủm tỉm cười.
Nguyên cớ nào khiến ông Hải nghĩ ra mức lót tay một tỷ đồng mỗi mùa cũng là câu chuyện khác cần suy ngẫm về người đàn ông này. Khoảng cuối năm 2011, ông Hải tới thăm bầu Kiên. Ông vào nhà ăn của CLB bóng đá Hà Nội, vô tình thấy cảnh Timothy, tiền đạo số má thời đó ở V-League, đi một vòng khắp bàn ăn các cầu thủ Việt, lấy hết từng đĩa thịt kho rồi đổ vào một cái bát tô. Lấy xong, Timothy lủi ra một góc rồi ăn lấy ăn để như thể đội bóng để anh ta chết đói vậy. Ông Hải nhìn thấy cảnh tượng "chối tỉ" ấy, bèn nghĩ "Cầu thủ Tây lấy đâu ra cái quyền tác oai tác quái như thế?". "Tôi, cầu thủ nội cũng là người lao động bình đẳng, đóng góp đâu kém gì nếu chưa muốn nói là hơn. Lãnh đạo CLB sẵn sàng chi hàng trăm nghìn USD cho một ông Tây thì hà cớ gì tiết kiệm vài đồng với anh em làm nghề trong nước?", ông Hải đặt ra vấn đề.
Sau giải nghệ, ông chỉ tham gia hai sự kiện cộng đồng đều liên quan tới "trẻ con", một là lần tuyển sinh học viên nhí cho HLV Nguyễn Hữu Thắng và hai là sự kiện phát triển thể chất học đường kể trên. Ông về ở Đà Nẵng vì đó là quyết định lớn hiếm hoi trong cuộc đời không bị tác động bởi đám đông. "Đứng trước biển mỗi sáng, tôi nhớ rằng mình luôn thuộc về bóng đá. Biển cả cũng bao la rộng lớn như bóng đá nhưng trong lành hơn nhiều".
Trong thâm tâm, Lê Thụy Hải có lẽ không muốn sống cuộc đời mà đám đông và xã hội đã định hình cho ông, dù đó mới là những gì làm nên con người của ông Hải "lơ", một người đặc biệt với bóng đá Việt Nam.
An Ngọc