Cái ngày HLV Park Hang-seo hội quân chuẩn bị "chiến dịch" lớn nhất sự nghiệp tại Việt Nam - ba trận cuối cùng của vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, cũng là lúc HLV Lê Thụy Hải về với "khoảng trời bóng đá của riêng mình". Nhắc đến sự trùng hợp này, cũng bởi trong sự nghiệp lừng lẫy lúc sinh thời, ông Hải được xem như một cái gạch nối quan trọng trong lịch sử những băng ghế huấn luyện bóng đá Việt Nam đương đại.

Bình Dương của ông Lê Thuỵ Hải mở ra thời kỳ hưng thịnh của các HLV nội ở V-League. Ảnh: Đức Đồng
HLV Lê Thụy Hải vốn không thích khen các đồng nghiệp nước ngoài, bởi ông tin rằng HLV nội có năng lực chẳng kém. Ngay cả một người từng lập chiến công lớn cho bóng đá Việt Nam là Henrique Calisto cũng hiếm khi được ông Hải nhắc đến với sự thán phục. Có một thời, họ là địch thủ lớn của nhau.
Calisto là HLV người nước ngoài gần nhất vô địch V-League, với Đồng Tâm Long An năm 2006. Nhưng từ khi ông Hải cùng Bình Dương đăng quang hai mùa liên tiếp 2007 và 2008 cho đến nay, chức vô địch đều thuộc về các HLV người Việt Nam. Vì lẽ đó, bằng tài năng và cá tính mạnh mẽ của mình, chính ông Hải đã tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng trên băng ghế huấn luyện ở V-League. Với nhiều đồng nghiệp trẻ Việt Nam, ông ít nhiều đã truyền cảm hứng cho họ.
Trước khi ông Hải thành công, bóng đá Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng từ chuyên gia nước ngoài. Khởi đầu bằng HLV người Brazil, Edson Tavares ở đội tuyển Việt Nam năm 1995, sau đó là cố HLV Karl-Heinz Weigang rồi Alfred Riedl, Calisto... Hơn 10 năm, bóng đá Việt Nam gần như mặc định, muốn thành công thì phải nhờ đến HLV ngoại. Không chỉ thống trị ở cấp độ ĐTQG, tại V-League, những thành công của HLV người Thái Lan Arjhan Srong-ngamsub ở HAGL và Calisto với Đồng Tâm Long An trong bốn mùa V-League liên tiếp từ 2003 đến 2006 càng gây thêm áp lực cho những nhà cầm quân Việt Nam, nhất là sau khi các lão làng như Phạm Huỳnh Tam Lang (Cảng Sài Gòn) hay Nguyễn Thành Vinh (SLNA) nghỉ hưu.
Thành tích đầu tiên của HLV Lê Thụy Hải, chính là á quân mùa 2005 với Đà Nẵng, khi ông cùng đội bóng sông Hàn đua tranh với "Gạch" của Calisto đến tận phút cuối. Sang năm 2006, khi nắm Bình Dương giữa mùa, ông lại tiếp tục khiến Calisto "vã mồ hôi" khi chỉ về nhì sau Đồng Tâm Long An vỏn vẹn một điểm. Và đến mùa 2007, ông Hải tạo nên một Bình Dương "vô đối" khi bỏ xa đến hơn 10 điểm so với hai quyền lực Đồng Tâm và HAGL với các HLV ngoại.
Thành công của ông Hải "lơ" tạo ra một cú hích lớn cho các HLV Việt Nam. Năm 2009, người từng là học trò của ông tại Đà Nẵng - Lê Huỳnh Đức đã tiếp nối, trở thành người thứ hai VĐQG trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV. Cùng năm đó, người kế nhiệm ông Hải ở Bình Dương là đồng đội một thời ở Tổng cục Đường Sắt, Mai Đức Chung đưa Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup, thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam tại cấp CLB. Những gì diễn ra ở Đà Nẵng và Bình Dương khi ấy, đều phải ghi nhận công lao xây dựng nền tảng để thành công từ ông Hải.
Những gì ông đã làm, sau này, tạo ra một thế hệ HLV có tầm nhìn và năng lực xây dựng hệ thống. Bắt đầu là Phan Thanh Hùng, kế đến là Nguyễn Hữu Thắng, Chu Đình Nghiêm, Nguyễn Đức Thắng... Cái khái niệm về chuẩn bị tâm lý, làm chủ phòng thay đồ... trước đó ít khi thấy rõ ở những CLB V-League vốn chịu sự can thiệp nghiêm trọng từ những ông bầu. Đấy là lý do các HLV ngoại có vẻ thành công hơn đồng nghiệp nội, nhờ sự nể trọng nhất định từ các ông chủ. Ông Hải chính là người đầu tiên tạo ra các quyền hạn riêng dành cho HLV nội. Với cá tính mạnh mẽ, ông Hải từng "bật" lại cả bầu Kiên thời còn ở Hà Nội ACB. Sau đó, bất kỳ nơi nào ông làm việc, những ông chủ đều phải đứng bên ngoài không được phép can thiệp vào chuyên môn. Câu chuyện về "Người làm thuê số 1" bóng đá Việt Nam cũng từ chính ông Lê Thụy Hải.

Sinh thời, HLV Lê Thuỵ Hải tạo ra văn hoá không can thiệp vào công việc chuyên môn từ các ông bầu ở V-League. Ảnh: Đức Đồng
Với bóng đá Việt Nam, ông Hải "lơ" không chỉ là HLV nội thành công nhất, mà còn là một tượng đài của giới cầm quân nội địa, xét ở góc độ làm nghề. Thành công của ông cũng mở ra một giai đoạn dài các HLV bắt đầu được tin dùng ở đội tuyển quốc gia, với những Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Hữu Thắng... cho đến khi, HLV Park Hang-seo một lần nữa tái hiện những thành công của HLV nước ngoài ở cấp độ đội tuyển. Ông Hải nhiều lần khen tài cầm quân của HLV Park và những lời khen đó, cũng mặc nhiên thừa nhận một giai đoạn mới của giới cầm quân tại Việt Nam.
Cuộc sống luôn có những trùng hợp đến khó tin. Trong năm HLV Lê Thụy Hải từ giã cõi đời, V-League có thể chứng kiến lần đầu tiên sau 15 năm vô địch thuộc về một HLV ngoại - với Kiatisuk của HAGL. Một làn sóng ngoại đang tác động vào những băng ghế huấn luyện tại V-League. "Thành trì" Hà Nội FC giờ đây cũng buộc phải chọn HLV Hàn Quốc để phục vụ cho tham vọng vươn ra tầm châu lục. Các HLV Việt Nam vẫn còn đó, với những con người xuất phát từ "thế hệ vàng 1995", nhưng có vẻ đã chạm đến giới hạn nghề nghiệp, số lượng cũng không nhiều, xoay tua từ CLB này sang CLB khác khiến cho việc xây dựng nền tảng không còn lâu dài. Đã thế, bây giờ cũng không còn ai đủ tầm vóc để làm người dẫn đầu.
Trong khi đó, những chiến tích của đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang-seo, dấu ấn tức thời của Kiatisuk tại HAGL, có thể sẽ định hình một giới hạn mới với một khoảng cách lớn hơn.
Song Việt