Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken được tổ chức bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ngày 19/5 tại Reykjavik, Iceland, nhằm tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Joe Biden, dự kiến diễn ra trong những tuần tới.
Khi Blinken gặp Lavrov, chính quyền Biden thông báo sẽ trừng phạt một số thực thể liên quan đến đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối Nga với Đức, song miễn cho một số quan chức liên quan. Đường ống Nord Stream 2 là một trong những bất đồng lớn giữa Mỹ và đồng minh Đức.
Blinken và Lavrov dường như chào đón nhau nồng nhiệt trong cuộc hội đàm, chạm khuỷu tay nhau thay vì bắt tay để phòng nCoV lây lan. Trong phát biểu mở đẩu, hai ngoại trưởng đều có giọng điệu được đánh giá là "cứng rắn nhưng chân tình".
"Tổng thống Biden đã nói với Tổng tống Putin rằng nếu Nga có hành động gây hấn với chúng tôi hoặc các đối tác và đồng minh của Mỹ, chúng tôi sẽ đáp trả. Tổng thống Biden chứng minh điều đó bằng lời nói lẫn hành động, song nhằm bảo vệ lợi ích của chúng tôi và không muốn làm leo thang căng thẳng", Blinken nói.
Blinken nhấn mạnh nước này tìm kiếm "mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước được với Nga", khẳng định điều này "sẽ tốt cho thế giới". Trong khi đó, Lavrov cho rằng hai bên "cần thẳng thắn với nhau".
"Chúng ta có những khác biệt nghiêm trọng trong việc đánh giá tình hình quốc tế và trong cách tiếp cận các nhiệm vụ phải giải quyết để bình thường hóa tình hình", Lavrov nói. "Lập trường của Nga rất đơn giản, chúng tôi sẵn sàng thảo luận tất cả vấn đề và không có ngoại lệ, song theo quan điểm rằng các cuộc thảo luận mang tính trung thực với mọi sự kiện được bàn bạc và trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau".
Ngoại trưởng Nga và Mỹ cho biết hai nước hy vọng sẽ phối hợp với nhau để giải quyết những thách thức chung, bao gồm đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Cuộc gặp của Ngoại trưởng Lavrov và Blinken diễn ra trong bối cảnh Washington và Moskva mâu thuẫn trên nhiều mặt, bao gồm việc xung đột tại Ukraine và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Nga phủ nhận điều này, tuyên bố Mỹ "đạo đức giả" và can thiệp vào các vấn đề không thuộc "công việc nội bộ" của họ.
Chính quyền Biden áp nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào các thực thể Nga, đồng thời trục xuất một số nhân viên ngoại giao của nước này. Điện Kremlin sau đó trả đũa các động thái trên, gồm liệt Mỹ vào danh sách "các quốc gia không thân thiện", cấm quan chức ngoại giao Mỹ nhập cảnh và không cho phép đại sứ quán Mỹ tuyển dụng nhân sự địa phương.
Nguyễn Tiến (Theo Politico)