New York Times hôm 23/5 đăng tải bài viết của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, thượng nghị sĩ John McCain và cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey về mối quan hệ với Việt Nam nhân chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama.
Trong bài viết, các ông chia sẻ rằng họ "cảm thấy bất ngờ trước việc hầu như người dân hai nước giờ đây đều không còn những ký ức hiện hữu về cuộc chiến tranh năm xưa nữa".
Từng là những người Mỹ tham chiến ở Việt Nam, ba ông thường được hỏi về bài học rút ra từ cuộc chiến tranh. Theo họ, câu trả lời không hề dễ dàng, phần vì mỗi cuộc chiến đều có đặc điểm riêng biệt và bởi họ nhận ra một điều là "cố gắng áp dụng bài học trong quá khứ cho những cuộc khủng hoảng mới nhiều khi 'lợi bất cập hại'". Nhưng cũng có một số bài học rõ ràng.
Bài học đầu tiên không chỉ áp dụng riêng cho ba ông mà đối với tất cả mọi người.
"Ta không bao giờ được phép đánh đồng một cuộc chiến tranh với những người lính tham gia nó. Các cựu binh Mỹ xứng đáng nhận sự tôn trọng, biết ơn và giúp đỡ nhiệt tình nhất của chúng ta ở bất cứ nơi đâu họ phục vụ", Ngoại trưởng Kerry, thượng nghị sĩ McCain và cựu thượng nghị sĩ Kerrey viết.
Bài học thứ hai các ông rút ra là các nhà lãnh đạo Mỹ cần trung thực với quốc hội và người dân về những kế hoạch, mục tiêu cũng như chiến lược khi mạng sống của các binh sĩ bị đe dọa.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng "cần cẩn trọng trong việc tiếp thu kiến thức về các nền văn hóa nước ngoài. Như đối với cuộc chiến ở Đông Nam Á, cả đồng minh cũng như đối phương đều không hành động theo tính toán của Washington.
Và đối với các ông, bài học thứ 4, cũng là bài học cuối cùng rút ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam, đang hiện hữu trước mắt.
"Với nỗ lực và thiện chí cao độ, những khác biệt tưởng chừng như không thể hòa giải vẫn có khả năng được hàn gắn. Việc ông Obama là Tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp thăm Việt Nam là bằng chứng cho thấy các nước cựu thù vẫn có thể trở thành đối tác mới", ba ông nhấn mạnh.
Là những cựu binh làm việc trong bộ máy chính quyền, các ông bày tỏ niềm tự hào về các đóng góp của mình đối với công cuộc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Theo họ, hai thập kỷ bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ có lắm gian truân nhưng cuối cùng hai nước đã đạt đến một cột mốc đầy ấn tượng, khi Mỹ xác định tầm nhìn hợp tác với Việt Nam là rộng mở và hướng tới tương lai.
Những cuộc thảo luận giữa ông Obama với các nhà lãnh đạo Việt Nam tập trung vào nhiều vấn đề, từ hợp tác an ninh tới thương mại, đầu tư, giáo dục, môi trường, tự do tôn giáo và nhân quyền. Những chủ đề bàn thảo rộng rãi hơn thể hiện sự thay đổi trong mối quan hệ song phương đang diễn biến "hết sức tốt đẹp".
20 năm trước, chỉ xấp xỉ 60.000 người Mỹ tới Việt Nam hàng năm, nhưng hiện tại, con số này đã lên tới nửa triệu người. 20 năm trước, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ là 450 triệu USD nhưng nay tăng gấp 100 lần. 20 năm trước, chỉ có hơn 1.000 sinh viên Việt Nam tại Mỹ nhưng giờ đây con số này chạm mức gần 19.000 người.
Gần nửa thế kỷ trước, lúc còn tham chiến ở Việt Nam, họ không bao giờ hình dung rằng một ngày nào đó, hai nước có thể hợp tác trong việc bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long bằng sáng kiến quản lý hệ sinh thái và giải quyết những thách thức của biển đổi khí hậu.
"Chúng tôi cũng không mường tượng được rằng hai quốc gia lại có thể cùng là thành viên trong thỏa thuận thương mại lịch sử, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn lao động và môi trường, đồng thời tăng cường sự thịnh vượng ở đất nước chúng tôi cũng như toàn bộ các quốc gia dọc theo bờ Thái Bình Dương", ông Kerry, McCain và Kerrey cùng chia sẻ."Càng khó tưởng tượng hơn là việc Mỹ và Việt Nam có thể hợp tác trong các vấn đề an ninh".
Mỹ đã giúp Việt Nam xây dựng một trung tâm huấn luyện mới ở ngoại ô thủ đô Hà Nội. Tại đây, Việt Nam sẽ đào tạo binh sĩ để chuẩn bị cho việc thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ.
Theo các ông, giới quân sự Việt Nam và Mỹ vẫn thường xuyên giữ liên lạc, các nhà ngoại giao hai nước cũng định kỳ tham vấn về những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi ở Biển Đông. Chính phủ Mỹ không đứng về bên nào nhưng nhấn mạnh các tranh chấp cần được giải quyết hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và không chấp nhận việc một quốc gia đơn phương gây áp lực với những nước láng giềng.
Ngoài ra, sau các chuyến thăm Việt Nam, họ còn ấn tượng bởi "sự hào hứng" của người dân Việt Nam trong việc áp dụng tiến bộ công nghệ và khả năng cạnh tranh ở thị trường lao động toàn cầu.
"Hướng tới tương lai, chúng tôi tin tưởng lợi ích chung sẽ định hướng quan hệ đối tác Việt - Mỹ. Mối quan hệ ấy càng được củng cố hơn bởi sự tương đồng môi trường xã hội. Những điểm giống nhau bao gồm các mối quan hệ gia đình, tinh thần lạc quan, sự khao khát độc lập và tự do cũng như sự trân trọng mạnh mẽ giá trị của hòa bình", ba ông kết lại bài viết với lời khẳng định đầy lạc quan.
Xem thêm: Chuyến thăm Việt Nam của Obama khơi sóng lòng cựu binh Mỹ
Nghị sĩ Mỹ kể về chuyến bay dài nhất đến Việt Nam của Obama
Trần Việt