Chiều 24/1, Ngô Thanh Vân - nhà sản xuất phim điện ảnh Trạng Tí - tổ chức buổi showcase ra mắt phim tại TP HCM. Hơn một tháng qua, phim bị một nhóm khán giả đòi tẩy chay vì cho rằng êkíp vi phạm quyền tác giả khi làm việc với công ty Phan Thị - chủ sở hữu bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt (kịch bản gốc), thay vì hợp tác với họa sĩ Lê Linh - cha đẻ bộ truyện. Nhiều người cho biết sẽ không xem phim vì êkíp chưa trả quyền lợi xứng đáng cho họa sĩ.
Luật sư Nguyễn Đức Hoàng - đại diện pháp lý phía nhà sản xuất - khẳng định quá trình mua bản quyền và thực hiện bộ phim đúng theo pháp luật. Luật sư giải thích Lê Linh chỉ có quyền tác giả với bốn nhân vật của truyện tranh, quyền sở hữu vẫn là công ty Phan Thị.
Ngô Thanh Vân nói sự việc khiến cô và êkíp lao đao thời gian qua. Khi thấy trên mạng xã hội, nhiều người kêu gọi không xem phim, cô hoang mang, không biết nên dừng lại hay tiếp tục dự án. Cô nói: "Tôi không muốn làm một phim có nội dung tốt nhưng bị khán giả chỉ trích bởi những yếu tố ngoài lề". Điều cô tiếc nhất là khiến các diễn viên nhí bị liên lụy vì những ý kiến tiêu cực trên mạng. Dù tổ chức showcase, êkíp không giới thiệu dàn cast vì tránh mang tiếng "đưa các em nhỏ ra làm bình phong".
Ngô Thanh Vân nói có lỗi vì không nhận ra khúc mắc trong vụ tranh chấp quyền tác giả giữa công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Linh, khiến phim bị ảnh hưởng. Là fan của Thần đồng đất Việt, cô ấp ủ đưa bộ truyện lên màn ảnh rộng từ năm 2015. Khi tìm đến công ty Phan Thị mua bản quyền, ban đầu cô bị từ chối vì phía công ty lo êkíp Ngô Thanh Vân không đủ khả năng chuyển tải sức hút của tác phẩm gốc, khiến các fan bộ truyện thất vọng. Ngô Thanh Vân mất hai năm thuyết phục và được Phan Thị đồng ý vào năm 2018.
Cuối năm 2018, vụ kiện quyền tác giả Thần đồng đất Việt giữa công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Linh gây xôn xao dư luận. Lúc đó, bộ phim đã khởi quay. Lo phim bị ảnh hưởng, Ngô Thanh Vân liên lạc phía Phan Thị và được công ty này bảo đảm bản quyền cho phim, đồng thời chịu trách nhiệm nếu tranh chấp xảy ra. Chị gặp Lê Linh, mời anh đóng góp ý tưởng cho dự án, song họa sĩ từ chối vì đang tham gia kiện tụng.
Cuối năm 2019, trong phiên phúc thẩm, tòa xác định Lê Linh là "cha đẻ" bốn nhân vật chính của bộ truyện (quyền sở hữu vẫn thuộc về công ty Phan Thị). Lúc này, Ngô Thanh Vân tiếp tục mời Lê Linh làm cố vấn. Họa sĩ tiếp tục từ chối, cho rằng tham gia cũng muộn, phim đã quay xong. Khi phim ra mắt teaser vào năm 2020 và vấp phải hiệu ứng tẩy chay từ khán giả, cô lại mời Lê Linh vào dự án, đề nghị một khoản thù lao cho vai trò tư vấn nhưng anh lắc đầu.
Ngô Thanh Vân cho rằng êkíp đã có thái độ cầu thị khi ba lần đề nghị Lê Linh tham gia dự án. Nhà sản xuất nói không có chuyện cô bắt tay công ty Phan Thị "o ép" Lê Linh như một số thông tin trên mạng xã hội, vì đã trả đầy đủ phí tác quyền khi ký hợp đồng với Phan Thị. Để tri ân Lê Linh, trên poster mới nhất, êkíp ghi dòng chữ: "Từ những nhân vật được sáng tạo bởi họa sĩ Lê Linh".
Với Ngô Thanh Vân, 43 tỷ đồng là kinh phí khá lớn so với một phim thiếu nhi, do êkíp đầu tư phần kỹ xảo, xây một ngôi làng ở Ninh Bình. Theo cô, con số vẫn chưa dừng lại do phim đang được hậu kỳ. "Đây là bài học đắt giá của tôi cho những dự án sau, nhất là với dòng phim chuyển thể", cô nói.
Ngoài lùm xùm với "cha đẻ" bộ truyện, phim còn bị nhiều khán giả cho rằng chưa tôn trọng nguyên tác. Chẳng hạn, trong truyện, bổ tử (miếng vải thêu lên áo) của Trạng Tí có hình bản đồ chữ S, song trong trailer được đổi thành hình cá chép.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lý giải đây là ý tưởng của anh. Ban đầu, anh viết một kịch bản khác cho phim: Tí trải qua nhiều kỳ thi hội, đình để trở thành Trạng Nguyên. Trước khi lên kinh ứng thí, Tí được mẹ may tặng một bổ tử hình cá chép, ngụ ý chúc con vượt vũ môn. Kịch bản phải thay đổi vì không đủ kinh phí, song Nhật Linh vẫn giữ ý tưởng này. Anh cho rằng khi ra rạp, khán giả sẽ hiểu điều êkíp muốn cài cắm. "Thật ra, xét theo bối cảnh Hậu Lê như trong truyện, việc Tí mặc bổ tử hình bản đồ chữ S là sai về lịch sử. Nếu chúng tôi giữ như nguyên tác cũng sẽ bị khán giả chất vấn là sai về thông tin niên đại", anh nói.
Phan Gia Nhật Linh nhận lời thực hiện bộ phim vì thấy chưa có một phim thiếu nhi nào đầu tư chỉnh chu cho trẻ em Việt Nam - theo cách Hollywood làm được từ lâu với Harry Potter, Biên niên sử Narnia... Hoài bão của anh là thực hiện Trạng Tí thành nhiều phần, phim đầu sẽ giải thích origin (nguồn gốc) của Tí. "Muốn làm được điều đó, bộ phim sắp tới phải được khán giả đón nhận. Tôi hy vọng công chúng cho êkíp cơ hội để Trạng Tí được trở lại với phần hai, ba và nhiều phần khác", anh nói.
Họa sĩ Lê Linh cho biết trong quá trình xảy ra vụ kiện, Ngô Thanh Vân từng liên lạc mời anh vào êkíp, nhưng anh không nhận lời vì đang tranh chấp và vì phim đã khởi quay. Sau này, nhà sản xuất tiếp tục ngỏ ý gửi một khoản thù lao khi mời làm cố vấn, song anh từ chối vì cho rằng bản thân không có đóng góp. Khi anh kể lại quá trình 12 năm đòi lại quyền tác giả bốn nhân vật Thần đồng đất Việt trên mạng xã hội, nhiều fan lên tiếng ủng hộ anh và tẩy chay phim. "Tôi chỉ đơn giản muốn giãi bày tâm tư. Trạng Tí không liên quan gì đến tôi, lựa chọn xem hay không là ở khán giả", Lê Linh nói.
Truyện Thần đồng đất Việt - tác phẩm do họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị thực hiện - ra mắt năm 2002. Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, kể câu chuyện và cuộc đời của Lê Tí - một trạng nguyên nước Việt - cùng những người bạn thân là Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tí là một cậu bé hiếu thảo, ham học và có trí thông minh hơn người. Cậu trở thành lưỡng quốc trạng nguyên. Cùng Sửu, Dần và Cả Mẹo, Tí có công lớn trong việc phò trợ vua Lê chống sự xâm lược của quân Minh. Truyện tranh gốc, bộ truyện tranh Việt Nam dài nhất cho tới nay - hơn 220 tập, là tác phẩm ăn khách. Truyện có thêm các bộ liên quan như Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt Mỹ thuật, Thần đồng đất Việt Toán học...
Mai Nhật