Cảnh các vị thần xuất hiện cũng được dùng kỹ xảo đồ họa. Ngô Thanh Vân cho biết phim Trạng Tí - chuyển thể từ truyện tranh Thần đồng đất Việt - là dự án đầu tư nhất từ trước đến nay của êkíp vì mang nhiều yếu tố thần thoại.
Trailer cũng hé lộ thân thế của nhân vật chính. Cậu sinh ra sau lần mẹ cậu dựa vào một tảng đá kỳ lạ giữa đầm sen rồi tự hoài thai. Lớn lên, Trạng Tí băn khoăn về gốc gác của mình vì luôn bị bạn bè chế giễu. Cùng nhóm bạn - Sửu, Dần, Cả Mẹo, Tí lên đường đến chùa Phật Quang, tìm thầy Thích Thông Tuệ để biết được cha cậu là ai. Trên hành trình, nhóm bạn đụng độ toán cướp giữa rừng sâu, chạm trán Thần Hổ, bị hai thần Thật Thà và Dối Trá thách đố...
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: "Tôi có những hoài bão cho điện ảnh Việt, muốn đem văn hóa Việt đến thế giới. Được nhìn thấy cây đa đầu làng, khói lam chiều trên những rặng núi xanh, những mái tranh vách đất mộc mạc, bọn trẻ con cưỡi trâu hò reo trên màn ảnh".
Tác phẩm lấy bối cảnh ở nhiều địa điểm nổi tiếng như đầm Vân Long (Ninh Bình), cây gạo thôn Đoài (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai)... Làng Phan Thị - quê hương của Tí - được tái hiện ở những ngôi nhà tranh, cây cầu tre do êkíp dựng lên.
Bộ tứ trong phim do dàn diễn viên nhí đóng, gồm Hữu Khang - vai Tí (từng đóng Chú ơi đừng lấy mẹ con), Bảo Tiên - vai Sửu (Mắt biếc), Hoàng Long - vai Dần (Ông ngoại tuổi 30), Đức Anh - vai Cả Mẹo (Người bất tử). Phim còn có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ: Trung Anh, Phi Phụng, Quang Thắng, Hiếu Hiền, Oanh Kiều, Xuân Nghị và Hoàng Phi.
Truyện Thần đồng đất Việt - tác phẩm do họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị thực hiện - ra mắt năm 2002, là truyện tranh Việt dài nhất cho tới nay (hơn 220 tập). Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, kể cuộc đời của Lê Tí - cậu bé hiếu thảo, ham học và có trí thông minh hơn người. Tí cùng nhóm bạn lập công lớn trong việc phò trợ vua Lê chống sự xâm lược của quân Minh.
Mai Nhật