Sáng 28/12, phiên sơ thẩm vụ tranh chấp quyền tác giả truyện tranh Thần đồng đất Việt diễn ra tại Tòa án Nhân dân quận 1, TP HCM. Phiên tòa có sự góp mặt của nguyên đơn - họa sĩ Lê Phong Linh (còn gọi là Lê Linh). Bị đơn - bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc công ty Phan Thị) và luật sư đại diện vắng mặt, có đơn xin hoãn phiên tòa trước đó. Tòa dời phiên sơ thẩm vào sáng 24/1/2019.
Lê Linh cho biết anh vẽ các nhân vật truyện Thần đồng đất Việt từ năm 2002 đến 2005. Sau tập 78, họa sĩ ngừng sáng tác. Các tập tiếp theo do các họa sĩ khác hợp tác với Phan Thị thực hiện. Sau đó, Lê Linh phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản quyền, bà Mỹ Hạnh ghi tên mình là đồng tác giả với anh. Năm 2007, anh quyết định kiện về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Trong đơn khởi kiện, họa sĩ Phong Linh yêu cầu xác định ai là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt, thay vì là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh như hồ sơ đăng ký bản quyền từ Phan Thị. Anh cũng đề nghị Phan Thị không được phép sáng tác những biến thể của nhân vật trong bộ truyện. Họa sĩ yêu cầu công ty Phan Thị xin lỗi nếu tòa phán quyết anh là tác giả bộ truyện.
Theo Lê Linh, tòa tổ chức nhiều lần hòa giải nhưng chỉ có mặt của họa sĩ, phía bị đơn không đến. Anh cho biết 12 năm đeo đuổi sự việc, anh nhiều lúc mệt mỏi, chán nản nhưng vẫn có niềm tin lấy lại quyền tác giả.
Trong thời gian anh theo đuổi vụ kiện, công ty Phan Thị kiện ngược họa sĩ Phong Linh vì đã sử dụng nhân vật Trạng Tí trong Thần đồng đất Việt để sáng tác nhân vật Long Tinh truyện Long thánh. Họa sĩ cho biết anh không bình luận về động thái này của Phan Thị và muốn tập trung vào vụ kiện của anh.
Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM từng có công văn vào năm 2010 bày tỏ ý kiến về vụ tranh chấp. Theo Hội, việc bà Mỹ Hạnh xác định quyền tác giả của bà căn cứ trên giải thích bà có ý tưởng khởi phát các nhân vật trong bộ truyện là thiếu cơ sở. Hội cho rằng chưa có luật về đăng ký sở hữu ý nghĩ trong "giai đoạn hình dung", đồng thời với giới hội họa, việc có ý tưởng chưa chắc đã hình tượng hóa nếu không có tài năng của người sáng tác. Do đó, Hội cho rằng bị đơn nhận là đồng tác giả với họa sĩ là thiếu cơ sở khoa học về nghệ thuật thị giác.
Tập đầu tiên của Thần đồng đất Việt - tác phẩm do họa sĩ Lê Linh và Công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ Kỹ thuật & Phát triển tin học Phan Thị (công ty Phan Thị) thực hiện - ra mắt năm 2002. Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, kể câu chuyện và cuộc đời của Lê Tí - một trạng nguyên nước Việt - cùng những người bạn thân là Sửu Ẹo, Dần Báo, Cả Mẹo. Tí là một cậu bé hiếu thảo, ham học và có trí thông minh hơn người. Cậu trở thành lưỡng quốc trạng nguyên. Cùng Sửu, Dần và Cả Mẹo, Tí có công lớn trong việc phò trợ vua Lê chống sự xâm lược của quân Minh.
Tác phẩm còn có thêm các bộ truyện tranh liên quan như Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt Mỹ thuật, Thần đồng đất Việt Toán học, Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa. Đây được coi là bộ truyện tranh Việt Nam dài nhất cho tới nay (hơn 220 tập).
Mai Nhật