Người nhà cho biết bệnh nhân uống cách lúc nhập viện khoảng hai giờ. Các thuốc chị uống gồm 50 viên Panadol 500 mg, 40 viên Decolgen, 50 viên Ampicillin, 3 vỉ thuốc ho màu xanh và khoảng 20-30 viên không rõ loại.
Bệnh nhân được kíp cấp cứu rửa dạ dày, uống than hoạt để loại bỏ nhanh thuốc khỏi đường tiêu hóa. Nhận định đây là trường hợp ngộ độc thuốc paracetamol rất nặng với tổng lượng đã uống khoảng 45 g, bác sĩ truyền thuốc giải độc NAC theo đường tĩnh mạch.
Bác sĩ Đào Thị Mỹ Vân, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Gia An 115, ngày 8/3 cho biết người uống từ 10 g paracetamol trở lên, tương đương với 20 viên 0,5 g, sẽ bị ngộ độc. "Trường hợp này rất nặng vì đã uống nhiều hơn bốn lần liều có thể gây ngộ độc", bác sĩ Vân chia sẻ.
Các bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 hội chẩn cùng tiến sĩ Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, quyết định lọc máu liên tục kết hợp lọc máu hấp phụ nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi máu một cách hiệu quả nhất. Sau 24 giờ lọc máu hấp phụ, người bệnh tỉnh táo, bớt mệt, hết nôn ói, không biểu hiện vàng da, vàng mắt.
Bệnh nhân tiếp tục được điều trị nâng đỡ chức năng gan sau ngộ độc cấp nặng, xuất viện sau 5 ngày điều trị. Các chỉ số sinh học chức năng gan thận trong giới hạn gần bình thường.
Theo bác sĩ Vân, lọc máu hấp phụ là phương pháp lọc máu giúp loại bỏ độc tố, hoặc các chất gây bệnh, bằng cách đưa dòng máu đã được chống đông qua một lớp chứa chất hấp phụ. Lọc máu hấp phụ được chứng minh hiệu quả trong điều trị các loại ngộ độc như phenobarbital, ngộ độc rượu độc, thuốc hướng thần, thuốc diệt cỏ paraquat...
Bác sĩ Vân phân tích, tình trạng ngộ độc paracetamol tại Việt Nam khá cao, do loại thuốc giảm đau hạ sốt này được bán rộng rãi, không cần bác sĩ kê toa. Ngộ độc paracetamol thường bị bỏ qua do triệu chứng lâm sàng giai đoạn đầu dễ nhầm lẫn bệnh lý khác như chán ăn, đau bụng, nôn, buồn nôn.
Xét nghiệm máu giai đoạn sớm đôi khi chưa thể hiện bất thường, trừ xét nghiệm định lượng paracetamol trong huyết thanh. Nồng độ paracetamol trong huyết thanh chỉ đạt cao nhất sau bốn giờ uống thuốc, giảm dần và trở nên âm tính sau 24 giờ. Các xét nghiệm cho thấy suy giảm chức năng tế bào gan thường xuất hiện rất muộn màng về sau.
"Nếu không khai thác kỹ bệnh sử, ngộ độc paracetamol thường bị bỏ qua và người bệnh thường được chẩn đoán nhầm với các bệnh lý rối loạn tiêu hóa khác", bác sĩ Vân nói. Việc chẩn đoán trễ, không điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến tình trạng viêm gan nặng nề gây hoại tử tế bào gan, suy chức năng gan tối cấp, đưa đến hội chứng não gan, hôn mê, sụp đổ chức năng đông máu toàn thân, suy đa cơ quan và tử vong.
Ngộ độc paracetamol thường diễn ra qua bốn giai đoạn, kéo dài 10-14 ngày. Nếu người bệnh sống sót sau khoảng 30 ngày, tổ chức gan sẽ hồi phục. Một số trường hợp ngộ độc nặng cần thời gian hồi phục lâu hơn.