Bác sĩ thấy dấu hiệu bất thường trên phim MRI tủy sống ở cột sau tủy sống cổ, ngực, đo điện cơ ghi nhận bất thường. Bệnh nhân cho biết đã hít bóng cười liên tục nhiều ngày.
Bác sĩ Doãn Uyên Vy, chuyên gia về bệnh nhiễm độc của Bệnh viện Chợ Rẫy, hôm 28/1 cho biết gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm độc khí N2O do hít bóng cười thường xuyên. Đa số bệnh nhân còn khá trẻ, trước đó khỏe mạnh, không có các bệnh mạn tính.
Bệnh nhân sẽ được theo dõi điều trị đặc hiệu nội trú và tiếp tục chữa trị ngoại trú đến khi bình phục. "Để hết hẳn bệnh nhiễm độc thần kinh dạng này, người bệnh phải từ bỏ việc hít bóng cười", bác sĩ Uyên phân tích.
Theo bác sĩ Uyên, khí cười sẽ khiến người dùng bị nhiễm độc khí N2O với các triệu chứng như thiếu máu đại hồng cầu, da dày sừng, bệnh lý thần kinh trung ương và ngoại biên gây tê chân tay. Nặng hơn có thể tê lan tỏa trên cơ thể, dáng đi mất thăng bằng, mất cảm giác và làm tổn thương thần kinh thị giác.
Triệu chứng nhiễm độc khí N2O nặng hay nhẹ tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân, thời gian sử dụng ngắn hay dài, liều lượng và số lượng mỗi lần hít bóng cười hoặc bình khí cười. Dấu hiệu khởi đầu là triệu chứng thấy mỏi khi đi lại và leo cầu thang đoạn ngắn, sau đó người bệnh không leo nổi lên cầu thang, đi lại phải vịn và cần sự giúp đỡ của người khác.
Nghiện khí cười N2O còn gây tình trạng rối loạn tâm thần, làm người nghiện bị trầm cảm, lo lắng, sợ hãi, thái độ cư xử bất đồng, hung hăng, ảo giác, ảo tưởng. Người viêm xoang dùng bóng cười sẽ làm tăng đau xoang, có thể thủng màng nhĩ khi có tăng áp lực của N2O đi qua tai giữa.
Ngoài ra, sử dụng bóng cười với lượng nhiều làm tổn thương não và thiếu oxy trầm trọng, dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Trường hợp dùng loại bóng cười pha trộn lượng khí oxy dưới 20% có nguy cơ tử vong cao do trụy tim mạch, thiếu oxy nặng.
Bóng cười là quả bóng được bơm khí N2O, gây hưng phấn thần kinh, tạo cảm giác muốn cười khi hít vào nên còn được gọi là khí cười. Trong y học, N2O được sử dụng để gây mê bệnh nhân khi phẫu thuật. Khí cười là nhóm chất gây nghiện, ảo giác và có xu hướng tăng liều. Người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự các loại ma túy khác.
Năm 2019, Bộ Y tế cấm sử dụng bóng cười trong giải trí. Khí N2O chỉ được phép sản xuất với mục đích công nghiệp, không sử dụng cho người trừ khi được bác sĩ chỉ định dùng trong y tế.