Trả lời:
Tật nghiến răng thường xảy ra vào ban đêm khi ngủ, bệnh nhân không hề biết là mình nghiến răng mà chỉ nghe người khác nói lại. Tật này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, là một rối loạn thần kinh cơ và nguyên nhân chưa thật rõ ràng, nhưng có một số yếu tố liên quan như:
- Các yếu tố thuộc phạm vi răng và hàm: Chấn thương răng, lệch khớp cắn, người có răng giả, răng sâu... có thể kích thích trung tâm phản xạ nhai gây nghiến răng.
- Stress: Căng thẳng thần kinh tâm lý, lao động căng thẳng, có cảm xúc mạnh như sợ hãi, đau đớn, căm thù... nên phải nghiến răng tự kiềm chế. Nếu một trong các hiện tượng này thường lặp đi lặp lại, có thể sẽ đưa đến tật nghiến răng.
Ở trẻ em, tật nghiến răng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hệ răng hàm. Với người trưởng thành, nó dễ gây hiện tượng mòn răng do hai hàm răng trực tiếp chà xát mạnh vào nhau, men răng dễ bị tổn thương, làm tăng sự tiêu xương, đau cơ nhai...
Để khắc phục hiện tượng này, cháu cần đến bác sĩ chuyên khoa răng làm máng nhựa plastic trong và dẻo. Khi đi ngủ, cháu đeo máng nhựa vào sẽ không còn nghe tiếng nghiến răng nữa, đồng thời bảo vệ răng không bị mòn. Ngoài ra, cháu cần tập thư giãn khớp hàm bằng cách thả lỏng cơ miệng, hàm dưới ở trạng thái nghỉ. Tránh căng thẳng thần kinh tâm lý. Hạn chế dùng các chất kích thích và thức ăn cứng.
BS Vũ Hướng Văn, Sức Khỏe & Đời Sống