"Trên người bà ấy hầu như chỗ nào cũng được chỉnh sửa hết rồi", cô bạn đi cùng chị nói với vị bác sĩ quen biết ở Đống Đa, Hà Nội. Chị Nhạn hơn 30 tuổi, đã có chồng và một con gái nhỏ. Trước khi nhờ tới phẫu thuật thẩm mỹ, chị có dáng người tầm thước với gương mặt ưa nhìn và luôn bất mãn bởi đôi mắt mí rưỡi, cánh mũi hơi to. Một ngày, chị soi gương không biết bao nhiều lần. Khi ai đó khen xinh, duyên, chị thường cho là họ nói đểu. Chị luôn sợ những câu nói đụng chạm tới vấn đề nhan sắc.
Sau khi lấy chồng, sinh con, chị càng bị ám ảnh nhiều hơn về hình thể. Được nhiều người nhận xét là "lại dáng" nhanh, nhìn đẹp hơn thời con gái nhưng chị không tin và ngày càng cảm thấy mình kém hấp dẫn, nhất là khi vòng eo xổ ra còn vòng ngực xệ hơn. Chị dồn hết tiền dành dụm đi nâng ngực, hút mỡ bụng nhưng vẫn không tự tin.
Cũng luôn khổ sở vì không hài lòng với vẻ ngoài của mình, Ngọc (Khâm Thiên, Hà Nội) đã nhiều lần tìm tới bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. 25 tuổi, cao 1,65 m, có lợi thế trong công việc phân phối mỹ phẩm nhờ ngoại hình bắt mắt, Ngọc lại không mấy tự tin khi tiếp xúc với khách hàng. Cô gái có nước da trắng và dáng người cao ráo này thường xuyên được đồng nghiệp, khách hàng hỏi về bí quyết làm đẹp nhưng bản thân cô lại không hài lòng với ngoại hình của mình.
Ngay từ tuổi dậy thì, Ngọc đã luôn sợ béo, ngày nào cũng lấy thước đo vòng eo, săm soi từng milimet trên khuôn mặt. Có chiếc mũi gọn không cao song hài hòa với gương mặt thanh thoát nhưng Ngọc luôn thấy xấu. Cô đã vài lần đến cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, lần thì yêu cầu được hút mỡ bụng, khi muốn sửa mũi, lần lại muốn chỉnh cho mắt to ra... và đều được bác sĩ khuyên không nên chỉnh sửa gì vì cơ thể cô gọn gàng, gương mặt cũng khá hài hòa.
Gần đây nhất, Ngọc tìm gặp bác sĩ phẫu thuật và muốn được chỉnh thu gọn xương hàm để mặt thon hơn nữa... Vị bác sĩ khéo léo giới thiệu Ngọc với một bác sĩ tâm lý, nói với cô rằng cần chuẩn bị tinh thần thật tốt trước khi đụng tới dao kéo. Không muốn nhưng Ngọc cũng phải thừa nhận khi bác sĩ khẳng định cô mắc chứng ám ảnh ngoại hình.
Thạc sĩ Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng 10% trong tổng số bệnh nhân bị ám ảnh ngoại hình - một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế - là do bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ gửi tới viện. Những người này có đặc điểm chung là luôn không hài lòng về vẻ ngoài của mình và muốn chỉnh sửa mọi thứ trên cơ thể khi có thể.
Mặc cảm ngoại hình là một trạng thái tâm lý tiêu cực, trong đó người bệnh thể hiện sự chú ý và lo âu quá mức đến khiếm khuyết nhỏ nào đó trên cơ thể, chẳng hạn như sẹo trên mặt, mũi không cao, tóc thưa…, thậm chí ngay cả khi khiếm khuyết đó không tồn tại. Họ thường bi quan hóa cuộc sống thông qua ngoại hình của mình.
Thực tế, con người thường không ai hoàn hảo. Việc người ta không hài lòng về điểm nào đó trên cơ thể và muốn cải thiện nó là điều tự nhiên. Khi điều đó trở thành nỗi ám ảnh khiến họ luôn muốn thay đổi bản thân, thậm chí tới mức vô lý, dựa vào những can thiệp nghiêm trọng, tác động đến mọi mặt của cuộc sống thì cần nghĩ tới vấn đề bệnh lý.
Những bệnh nhân mắc chứng này chủ yếu là phụ nữ. Điển hình như hai trường hợp của chị Nhạn hay Ngọc - đều là những người có lợi thế về ngoại hình, nhưng luôn dằn vặt bản thân vì chưa đạt đến tầm họ mong muốn. Việc dùng mỹ phẩm, trang điểm hay các các chăm sóc vẻ ngoài thông thường khác không làm họ hài lòng. Họ thường xuyên rơi vào trạng thái buồn chán, khổ sở. Những yếu tố thường làm tình trạng này nặng thêm là bệnh nhân thuộc kiểu người có nhân cách yếu, dễ bị ám ảnh hoặc phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, công việc.
Theo bác sĩ Thiện, nếu không được can thiệp kịp thời, chứng ám ảnh ngoại hình có thể gây hậu quả đáng tiếc. Những bệnh nhân này sẽ luôn tự dày vò mình vì hình thể, có thể nảy sinh hành vi nhờ tới phẫu thuật thẩm mỹ để chỉnh sửa các điểm họ không hài lòng... Quá tập trung vào việc làm đẹp có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác trong cuộc sống của người bệnh. Khi bị ám ảnh quá mức, họ có thể rơi vào tình trạng trầm cảm thứ phát, sinh chán nản, phiền muộn...
Với các trường hợp này, bác sĩ Thiện cho rằng, biện pháp tâm lý là cách điều trị hữu hiệu nhất. Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có thể kết hợp với bác sĩ về chuyên khoa tâm thần để giúp bệnh nhân nhìn ra vấn đề của mình và hợp tác chữa trị. Điều quan trọng là người bệnh hoặc người thân của họ cần nhận biết sớm các dấu hiệu để có thể nhờ tới chuyên gia can thiệp kịp thời.
Các dấu hiệu đó có thể là:
- Luôn nghĩ về những khiếm khuyết hình thể của mình. Liên tục nói về chuyện về sắc đẹp, ngoại hình.
- Soi gương thường xuyên hoặc ngược lại rất ghét soi gương và liên tục sờ, kiểm tra khiếm khuyết.
- Phiền muộn, lo âu, thậm chí có ý nghĩ tự sát vì không hài lòng với vẻ ngoài.
- Hay so sánh mình với người khác.
- Chải chuốt ngoại hình quá mức.
- Sử dụng quần áo, trang điểm hoặc các cách khác một cách quá mức để che đi phần “thiếu sót”.
- Thường xuyên hỏi người khác đánh giá như thế nào về khiếm khuyết của họ để lấy lại niềm tin, nhưng lại không tin những đánh giá ấy.
- Nghiêm khắc quá mức trong việc ăn kiêng và tập thể dục.
- Khi có điều kiện kinh tế, họ muốn thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ngay cả khi các chuyên gia thẩm mỹ cho rằng không cần thiết.
- Luôn muốn chỉnh sửa các bộ phận trên cơ thể, mặc dù vẻ ngoài hoàn toàn bình thường, thậm chí là đẹp...
Vương Linh
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi