Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Corbis.com. |
Ngồi ở ghế ngoài hành lang Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ và gương mặt u buồn, anh Hoàng (Kiến Thụy, Hải Phòng) kể, vợ anh mắc chứng trầm cảm mấy năm nay. Anh đã đưa vợ đi chữa trị nhiều nơi, nhưng chỉ khỏi được một thời gian rồi lại tái phát. Đã mấy lần chị tìm cách tự vẫn khiến anh và gia đình tá hỏa.
"Mỗi lần tôi đưa vợ đi cấp cứu, nhiều người chỉ trỏ bảo chắc tôi đánh, mắng vợ hay có chuyện bồ bịch gì nên cô ấy mới phải làm vậy. Nhưng quả thực, chồng bát còn có lúc xô, chứ từ hồi lấy nhau đến giờ, chúng tôi chưa từng to tiếng hay giận dỗi nhau lần nào", anh Hoàng đau khổ nói.
Thực tế, theo lời anh, hai vợ chồng họ sống với nhau rất hạnh phúc. Chị là người phụ nữ có nhan sắc, lại vừa đảm việc nhà, vừa tháo vát chợ búa. Anh chuyên cho thuê xe tải, rất yêu vợ, thương con, chẳng nề hà việc gì trong nhà. Kinh tế dư giả, hai đứa con một trai một gái học giỏi, ngoan ngoãn, gia đình họ là niềm mơ ước của nhiều người.
Thế nhưng cách đây hai năm, một thời gian, anh Hoàng thấy vợ có vẻ là lạ. Chị bỗng trở nên u buồn, ít nói, khác hẳn với vẻ năng nổ bình thường. Rồi một tối, khi hai vợ chồng đang nói chuyện vui vẻ với nhau, chị thủ thỉ: "Hôm qua em mua thuốc chuột về uống, nhưng chắc vớ phải đồ rởm, chả chết được". Anh Hoàng giật nảy người, tưởng vợ nói đùa nhưng khi nghe chị kể tỉ mỉ từ việc mua thuốc nhà ai, uống thế nào, anh tin là thật và nơm nớp sợ.
Từ đó, anh chú ý đến vợ nhiều hơn, đưa chị đi khám rồi về uống thuốc, nhưng một thời gian sau, chị lại làm vậy. Mới đây, chị nói với mẹ chồng, rất bình thản: "Con vừa uống lọ thuốc trừ cỏ xong, khó chịu quá". Và lần này, chị bị ngộ độc nặng, cổ họng bỏng, phải chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Cũng có chung hoàn cảnh như anh Hoàng, có vợ bị trầm cảm, anh Thạch (Hoài Đức, Hà Tây) rầu rĩ kể, suốt gần 10 năm nay, gia đình anh khánh kiệt vì anh chẳng làm được việc gì ngoài đưa vợ đi hết viện này đến viện khác, không phải để chữa bệnh thì lại là cấp cứu vì chị uống thuốc trừ cỏ.
"Nào gia đình tôi có vấn đề gì đâu. Hai vợ chồng đều hiền lành, chỉ biết chăm chỉ làm ăn lo cho con cái, đầu tắt mặt tối suốt ngày, thương nhau không hết nói gì đến chuyện bồ bịch. Vậy mà người không hiểu thì ai cũng bảo chắc tôi tệ lắm nên mới khiến vợ sinh bệnh trầm cảm và hết lần này đến lần khác phải tìm đến cái chết", anh Thạch chia sẻ.
Theo tiến sĩ Bùi Quang Huy, chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Hà Đông, Hà Nội, nhiều người cho rằng trầm cảm là do những chấn thương tâm lý, khi phải chịu đựng những áp lực trong cuộc sống, công việc, tình cảm. Thực ra, đây là một bệnh do tình trạng thiếu serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ gây ra. Bởi thế, kể cả những người có cuộc sống rất dễ chịu, hạnh phúc vẫn bị mắc.
Tiến sĩ Huy cho biết, bệnh này có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng tỷ lệ cao nhất ở nhóm tuổi 25-44. Bệnh có thể do gene di truyền. Bố mẹ, con, anh, chị, em của bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ bị bệnh này cao hơn người bình thường 2-3 lần. Ngoài ra, các chấn thương tâm lý cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho bệnh khởi phát: thường là mất bố hoặc mẹ trước năm 11 tuổi, mất vợ hay chồng, thất nghiệp...
Ông cho hay, tại khoa Tâm thần của Viện 103, phần lớn các bệnh nhân trầm cảm đều đến điều trị muộn. Trước đó, họ thường được đưa đi khám ở các chuyên khoa khác như thần kinh (vì mất ngủ) hay tim mạch, dạ dày (khó chịu trong người, tim đập nhanh)... Một số người còn tìm đến các liệu pháp như tập Yoga, trị liệu tâm lý nhưng đều không hiệu quả vì chưa đúng bệnh. Điều đáng ngại là 2 phần 3 các trường hợp tự sát có nguyên nhân là do trầm cảm và có tới 15% số người trầm cảm chết vì tự sát.
Bác sĩ Huy cho biết, số bệnh nhân là nữ thường cao gấp 3 lần nam, có thể do sự khác nhau về hoóc môn và do phụ nữ phải sinh con. Việc sinh đẻ là một lần gắng sức lớn và làm thay đổi nội tiết nên có khá nhiều phụ nữ khởi phát trầm cảm sau khi sinh.
Trường hợp điển hình là chị Liễu (Bắc Ninh). Tuần thứ hai sau khi sinh đứa con đầu lòng, chị Liễu tỏ ra uể oải, chán nản và chẳng thích ôm ẵm con. Nghĩ rằng chị mệt do chưa quen với việc thức đêm, chăm con, gia đình chị cũng không để ý. Mọi người chỉ sững sờ khi phát hiện một lần chị đang cố tình dùng một sợi dây điện để định siết cổ mình và đứa con cho cả hai cùng chết. Khi đó, cả nhà mới vội vàng gỡ hai mẹ con ra và đưa chị vào gặp bác sĩ tâm thần. Chị được xác định mắc trầm cảm nặng.
Theo bác sĩ Huy, trầm cảm là một bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Đa số các trường hợp bệnh nhân trầm cảm chỉ cần điều trị ngoại trú bằng thuốc chống trầm cảm là có thể hồi phục hoàn toàn. Những người cần nhập viện là bệnh nhân trầm cảm mức độ nặng hay bệnh ở mức độ vừa và nhẹ nhưng người bệnh có ý định và hành vi tự sát hoặc các trường hợp trầm cảm kháng thuốc... Bệnh nhân sẽ được cắt cơn trầm cảm bằng thuốc hoặc sốc điện. Tuy nhiên, đây là bệnh mãn tính nên cần được điều trị kéo dài. Sai lầm của hầu hết bệnh nhân và gia đình họ là coi nhẹ vấn đề điều trị củng cố nên bệnh dễ tái phát.
Bác sĩ khẳng định, khả năng chữa khỏi và thời gian điều trị phụ thuộc rất lớn vào việc phát hiện sớm để điều trị kịp thời, đúng bệnh. Bởi vậy, bệnh nhân và người nhà cần sớm phát hiện bệnh và đến khám tại các chuyên khoa tâm thần tại các bệnh viện khi thấy các triệu chứng (trong hai tuần liền) như: nét mặt của bệnh nhân bỗng nhiên buồn bã, đơn điệu, mất ngủ, mất hứng thú với những hoạt động yêu thích, chán ăn, sút cân, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, có ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát...
Bảng câu hỏi ngắn giúp bạn tự đánh giá để biết mình hoặc người thân có các dấu hiệu trầm cảm hay không: Trong hai tuần liên tiếp, triệu chứng nào dưới đây thường xuyên xuất hiện: 1. Khó ngủ, ngủ ít, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều? Nếu bạn có từ 5 câu trả lời "Có" trở lên cho các câu hỏi trên, có thể bạn đã có những triệu chứng của trầm cảm. Bạn nên đến gặp bác sĩ tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời. |
Minh Thùy
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi