Đây là một trong những nội dung báo cáo về quy hoạch, hiện trạng và định hướng 7 tuyến đường vành đai vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi thành phố.
Theo đó, tuyến Vành đai 2 dài 39 km, rộng 50-72,5 m, chia làm 5 đoạn. Ba đoạn đã đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch (gần 32 km) bao gồm: đoạn phía Bắc sông Hồng dài 16 km (đi trùng với đường 5 cũ và đường 5 kéo dài); đoạn cầu Nhật Tân – Cầu Giấy, hơn 10 km (bao gồm cả cầu Nhật Tân và đường dẫn); Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng dài 2,25 km.
Đoạn đang triển khai thi công mở rộng hoàn thiện theo quy hoạch (trên 6,5 km) tương ứng đoạn Cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng (trong đó đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng đang triển khai đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BT).
Đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay) dài 4 km đã hình thành tuyến nhưng chưa mở rộng theo quy hoạch.
Để hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị thành phố, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 và dự án đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng.
Sở cũng đề xuất thành phố nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (tuyến Vành đai 2), trong đó có phương án đường trên cao thuộc đoạn tuyến này để làm cơ sở triển khai dự án trong giai đoạn 2026-2030.
Theo các đồ án quy hoạch hệ thống đường vành đai của thành phố Hà Nội có tổng số 7 tuyến với tổng chiều dài trên địa bàn thành phố hơn 285 km. Trong đó 5 tuyến vành đai chính (VĐ1; VĐ2; VĐ3; VĐ4 và VĐ5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5).
Việc đầu tư triển khai 7 tuyến đường vành đai đến thời điểm hiện nay mới chỉ hoàn thành được hơn 132 Km/285 km (tương ứng 46,33%).
Trong tổng số 4 tuyến vành đai kép kín chỉ duy nhất Vành đai 2 đã kép kín toàn tuyến. 3 tuyến còn lại (Vành đai 3; Vành đai 4 và Vành đai 5) chưa được đầu tư khép kín.
Võ Hải