Bướm đêm có vai trò tương tự trứng gà trong công nghệ này. Các nhà khoa học chế tạo kháng nguyên (nguyên liệu của vaccine) bên trong nhộng bướm, thay vì sử dụng trứng đã thụ tinh.
Theo các chuyên gia, bướm đêm có thể giúp phát triển nhanh, nhiều loại mũi tiêm hơn so với trứng gà. Cụ thể, các chuyên gia sửa đổi baculovirus (mầm bệnh lây nhiễm trên côn trùng song vô hại với người, động vật), sau đó hướng dẫn di truyền để tạo ra kháng nguyên của một loại virus nhất định.
Virus biến đổi tiếp tục được robot đưa vào nhộng bướm, có thể tiêm cho 6.000 kén bướm đêm trong một giờ. Các tế bào sẽ phản ứng với virus, nhân lên với tốc độ nhanh chóng, tạo ra kháng nguyên cho vaccine.
Tiến sĩ José Escribano, sáng lập công ty công nghệ sinh học Algenex (đơn vị nghiên cứu phương pháp mới), nhận định: "Sau ba đến năm ngày, bạn thu được lượng kháng nguyên ở mức tối đa". Ông cho biết thêm mỗi con nhộng có thể sản xuất từ 5 đến 10 liều vaccine, trong khi một quả trứng gà chỉ tương đương một mũi tiêm phòng cúm.
Như vậy, phương pháp bướm đêm dùng để tạo ra vaccine dựa trên protein, không phải công nghệ từ mRNA như BioNTech và Morderna sử dụng.
Công nghệ này từng được áp dụng vào sản xuất một số loại vaccine cho động vật, ví dụ mũi tiêm ngừa bệnh xuất huyết làm chết thỏ.
Liên minh Phòng chống Dịch bệnh (Cepi) tài trợ 2,5 triệu bảng Anh (hơn 78 tỷ đồng) cho phương pháp mới. Họ mô tả bướm đêm tương tự "lò phản ứng sinh học sống", giúp tiết kiệm thời gian và cho phép sản xuất, phân phối vaccine nhanh chóng hơn khi có đại dịch.
Ingrid Kromann, quyền Giám đốc Điều hành chuỗi sản xuất, cung ứng của tổ chức nói trên, cho biết: "Các bệnh truyền nhiễm mới và tái xuất hiện đang gây ra những mối đe dọa liên tục, nhu cầu tiếp cận nhanh chóng vaccine rất quan trọng để bảo vệ nhóm dân cư dễ bị tổn thương trên toàn cầu".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chưa cảm thấy phương pháp mới chưa thuyết phục. Giáo sư Ian Jones, chuyên gia virus học tại Đại học Reading (Anh), cho biết vấn đề này không mới. Các công ty sở hữu công nghệ tương tự đã ngừng kinh doanh.
Ông nhận định phương pháp bướm đêm có điểm bất lợi so với sản xuất vaccine từ mRNA do mRNA không cần dùng lò phản ứng sinh học, nhu cầu sản xuất protein nhanh chóng sẽ không còn.
Đại diện Cepi cho biết sẽ nghiên cứu lâm sàng nhằm chứng minh tiềm năng của công nghệ bướm đêm trong việc triển khai tiêm chủng ở bối cảnh đại dịch.
Một đơn vị khác cũng tìm hướng đi mới để nghiên cứu và phát triển vaccine nhanh hơn trong địa dịch. Đó là nhóm các nhà khoa học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok (Thái Lan), sử dụng thực vật thay cho côn trùng nhằm tái tạo các thành phần virus cần thiết cho mũi tiêm.
Chi Lê (Theo Telegraph UK, Cepi)