Việc ngân hàng đang siết room tín dụng bất động sản, lãi suất huy động của ngân hàng tăng, thanh khoản bất động sản kém... được nhận định là những yếu tố bất lợi cho những ai đầu tư lướt sóng đất nền bằng tiền vay mượn.
Hơn bao giờ hết, nhiều người trong số đó đang đau đầu tìm cách "thoát hàng". Thế nhưng, phía ngược lại, người mua cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào để biết "giá trị thật" của lô đất?
Độc giả Hiếu Lê nhớ lại: "Năm 2019 tôi về quê mua miếng đất mặt tiền tỉnh lộ, ngang 6m, dài 23 mét. Giá chủ đất đưa ra là 150 triệu đồng một mét ngang. Tính ra cần 900 triệu mới mua được miếng đất đó. Tôi trả giá 90 triệu đồng một mét ngang, chủ đất không đồng ý nên tôi không mua nữa.
Năm nay tôi về quê nghe một người bạn nói miếng đất đó giờ có giá 350 triệu đồng một mét ngang. Tính ra miếng đất bề ngang 6 mét đó giá 2,1 tỷ đồng. Trong khi mấy ki-ốt được xây bên cạnh, cũng diện tích như thế mà cho thuê một triệu đồng một tháng. Không hiểu người ta định giá đất kiểu gì?"
Tương tự, độc giả có nickname vumanhhoan1971 kể:
"Đất chỗ tôi đầu năm 2021 giá từ 30 triệu đến 50 triệu đồng một mét ngang. Cuối năm giá tăng lên từ 130 triệu đến 150 triệu đồng một mét ngang. Qua đầu năm sau, 2/2022 dân đầu tư bất động sản thi nhau mua giá 150 triệu đến 170 triệu đồng một mét ngang.
Sau đó thị trường tắt ngúm, im bặt, vậy những người mua thời điểm sau này bán giá cắt lỗ bao nhiêu để đúng thực chất với giá thật? Theo tôi hiểu nó đã tăng gấp bốn lần so với đầu năm 2021, nếu bán cắt lỗ 50% vẫn cao gấp đôi so với đầu năm 2021".
Sau khi những cơn sốt đất ở nhiều địa phương hạ nhiệt, đến bây giờ khi thị trường đã trầm lắng hơn, thì nhiều người mới nghĩ đến việc làm thế nào để tránh bị hớ khi mua đất.
Độc giả Trần Sơn đưa ra một kinh nghiệm: "Người mua có quyền định giá mua, bán hay không là quyền của bạn. Nhà, đất, căn hộ... tôi chuẩn bị đủ 100% tiền rồi mới mua (là thế mạnh khi mua).
Khi mua tôi đưa ra mức giá thật hợp lý với điều kiện không cần 30 ngày, mà hôm nay cọc ngày mai công chứng, chồng đủ tiền luôn. Tôi cho bên bán 24 tiếng để suy nghĩ, quá 24 tiếng đó tôi sẽ không mua dù có đồng ý bán.
Vậy mà hầu như tôi mua được với cách này đó. Tôi không nghĩ là tôi ép giá, mà muốn bên bán bớt "mơ mộng" về giá tài sản của mình khi bán. Thật sự tìm được một người mua để xuống cọc ngay không phải là dễ.
Độc giả Nhất Làng phân tích: "Giá trị thật của BĐS phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Vị trí, khu vực, hạ tầng giao thông, tương lai phát triển, khả năng giao dịch, tạo gia lợi ích kinh tế... và không thể bỏ qua nhu cầu xây dựng, khả năng của người dân".
>> Tôi không còn hờn dỗi thị trường bất động sản
Độc giả có nickname cas072020 nói: "Giá trị thật tính bằng tiền được định nghĩa bởi nhu cầu mua của phần đông người có nhu cầu vào mục đích sử dụng thật. Nếu người bán hét 2,6 tỷ, nhiều người hỏi thăm nhưng không ai chịu mua thì đó là con số ảo tưởng, nếu hét 1,6 tỷ, nhiều người muốn mua thì đó là con số thấp hơn giá trị thật, nếu hét 2 tỷ, chỉ còn một vài người muốn mua thì có thể coi đó là tiệm cận giá trị thật.
Thực tế chẳng có con số cứng nhắc nào được gọi là giá trị thật cả, nhưng có một sự thật rất thật là lòng tham của con người là vô đáy".
Độc giả có nickname ltanh.vn nói khái quát hơn: "Khi nhiều người nghĩ giá đất sẽ giảm, tiền đổ vào đất sẽ ít đi, thị trường đóng băng, và rồi thời gian sau nó giảm hoặc tăng chậm lại.
Khi giá đất giảm lại có người đổ tiền vào đầu cơ, bắt đáy, thị trường sốt trở lại, thêm các thành phần thổi giá và giá lại tăng lên. Nói chung nó là cái vòng lặp tăng giảm liên miên.
Nên mua bán đất không quan trọng lúc giá cao hay thấp, mà quan trọng bạn mua bán đúng thời điểm hay không. Mua cao và bán cao hơn thì vẫn lời, mua rẻ mà bán rẻ thì cũng lỗ thôi".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.