Mới hơn 30 tuổi hắn đã xin nghỉ chế độ để thực hiện giấc mơ làm giàu từ lâm nghiệp. Sau mươi năm, việc trồng quế trên đất rừng nhận khoán cùng với thu gom quế xuất khẩu đã đưa hắn lên hàng đại gia trong vùng.
Mấy năm trước gặp nhau ở Hà Nội, hắn bảo đang "chạy thủ tục" nhận thêm đất rừng để trồng keo, bạch đàn cung cấp cho ngành công nghiệp giấy. Có lần về Hà Nội, hắn lại bảo, chuẩn bị đầu tư sản xuất viên nén gỗ, bởi đây là loại nhiên liệu xanh đang được ưa chuộng tại các nước phát triển, là nhiên liệu của tương lai, là zero carbon.
Tôi từ ngạc nhiên chuyển thành kinh ngạc với dạng người kỳ lạ như hắn. Người ta tranh nhau về Thủ đô, hắn bỏ phố lên rừng. Lúc tất cả bằng mọi nỗ lực chạy suất biên chế nhà nước, thì hắn vứt bỏ để trở thành lao động tự do. Khi mọi người còn quay cuồng sắm chung cư cao cấp, xe hơi đời mới cho "bằng anh bằng em", hắn đã "xanh hóa tư duy". Ông bạn đen nhẻm thuở trước giờ không chỉ là chủ doanh nghiệp mà còn có thể trình bày vanh vách như chuyên gia về hàng loạt vấn đề như Chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC-FM), Chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (FSC-CoC)...
Sự kinh ngạc ấy thôi thúc tôi lên thăm hắn.
Mất hơn ba giờ lái xe từ Hà Nội, tôi đến trang trại của bạn. Tôi bị ngợp bởi cơ ngơi mà như hắn nói, muốn thăm hết rừng quế, bạch đàn, keo thì phải cưỡi con Minsk và mất trọn một ngày.
Bữa tiệc chào đón tôi nhanh chóng biến thành cuộc trao đổi về dự án mà hắn từng ấp ủ. Nghe một tay tuổi ngoài lục tuần nói về quy trình sản xuất, đầu vào đầu ra, nhập khẩu thiết bị, tiêu chuẩn xuất khẩu và những dự liệu về vùng nguyên liệu... như lên đồng, mới thấy viên chức nhà nước như tôi, không giàu... là lẽ tất nhiên.
Nhưng cũng giống muôn vàn doanh nghiệp khác, trước một tương lai hứa hẹn về xanh hóa sản xuất, những con số khả quan về lợi nhuận cùng các chỉ số môi trường từ công tác tái sinh rừng... là nút chặn về vốn. Bạn bảo, để triển khai dự án này, hàng chục tỷ đồng tích cóp được trong mấy chục năm qua còn chưa đủ tiền thiết bị, xây lắp, chưa nói đến vốn lưu động và hàng trăm loại chi phí vận hành. Vì thế bạn phải tìm đến ngân hàng, nhưng "tới cổng ngân hàng cứ như đâm đầu vào tường", hắn nói trong tiếng thở dài.
Tôi bảo, ngân hàng có cả hàng triệu tỷ đồng sẵn sàng cho vay, thủ tục cũng khá thông thoáng dễ tiếp cận. Báo cáo Đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam từ những năm trước đã vào Top 30 thế giới.
Hắn trả lời, ở đâu không biết, nhưng ở đây, để tìm một doanh nghiệp tư nhân với quy mô tương tự mà vay được vốn ngân hàng thì "đốt đuốc giữa ban ngày không thấy". Như để "đáp lại" số liệu của tôi, hắn dẫn ra công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022 cho biết, có đến gần 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ các nguồn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro.
Bạn nói, cách dễ nhất để vay vốn ngân hàng là thế chấp tài sản. Gia sản này đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của mấy cha con hắn nhưng khi đem thế chấp, vì là đất lâm nghiệp, nên có ngân hàng ngần ngừ, có nơi nhận nhưng định giá thấp đến đau lòng. "Tôi không dám rứt thịt mình như vậy".
Giải pháp chứng minh dòng tiền và tham gia chuỗi sản xuất còn khó khăn hơn nhiều do những quy định khắt khe về chứng từ, hóa đơn, kế hoạch kinh doanh.
Bạn tôi cũng đã tìm tới các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để vay với lãi suất ưu đãi. Nhưng tiêu chí khó như lên trời: phải là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm được tạo ra từ các dự án sản xuất thử nghiệm, sản phẩm đoạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo...
Tính toán mãi, chạy ngược chạy xuôi mãi... cuối cùng bạn quyết định dừng lại, nuôi hy vọng rằng, sau này cơ chế cởi mở hơn, con cháu muốn làm gì thì làm, chỉ mong là đừng để "nước lã ra sông".
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, nêu tại hội nghị chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ngày 14/3, vốn rót vào bất động sản và chứng khoán trong hai tháng đầu năm tăng hơn so cùng kỳ, trong khi các ngành khác đều giảm. Lãi suất vay đã giảm nhưng vốn ngân hàng vẫn khó bơm vào nền kinh tế.
Tháng 4 năm ngoái, VCCI công bố một báo cáo, từ khảo sát khoảng 12 nghìn doanh nghiệp trên cả nước, nêu rõ khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Năm 2022, tiếp cận tín dụng là mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp, so với 34,8% của năm 2019, 40,7% của 2020 và 46,9% của 2021.
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra ba rào cản mà doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải trong tiếp cận vốn vay: không có tài sản thế chấp, báo cáo tài chính không đáp ứng được các quy định của ngân hàng, và thiếu kế hoạch kinh doanh khả thi. Trong khi đó, 97% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tôi tiếc cho giấc mộng làm lớn của những doanh nhân như bạn. Nếu đã quyết từ bỏ mảnh ao hẹp để ra khơi với chiếc cần câu lớn, tại sao họ không có cơ hội trang bị sợi cước đủ dài để câu con cá to. Logic thông thường: cần dài cước cũng phải dài mới đúng.
Tô Ngọc Doanh