Không khí căng thẳng bao trùm thủ đô Tehran của Iran khi chuyến bay số hiệu PS752 của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) hôm qua rơi và bốc cháy gần sân bay quốc tế Imam Khomeini, ngay sau khi cất cánh để tới Kiev, Ukraine. Toàn bộ 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Thời điểm xảy ra tai nạn ngay lập tức làm dấy lên nghi ngờ về nguyên nhân sự cố. Chỉ vài giờ trước đó, Iran phóng hàng chục tên lửa vào hai căn cứ của lực lượng Mỹ và liên quân tại Iraq để trả thù cho tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds bị Mỹ hạ sát trong cuộc không kích hôm 3/1.
Những tuyên bố mâu thuẫn và mập mờ của Ukraine và Iran sau vụ tai nạn càng làm tăng thêm các suy đoán. Đại sứ quán Ukraine ở Iran ban đầu loại trừ nguyên nhân khủng bố hoặc tấn công tên lửa, nhưng sau đó gỡ thông báo khỏi trang web, thay vào đó nói rằng vẫn còn quá sớm để rút ra bất cứ kết luận nào.
Trong trường hợp thuận lợi, việc xác định nguyên nhân tai nạn máy bay cũng phải mất tới một năm hoặc hơn, do quá trình điều tra phức tạp và liên quan tới nhiều chính phủ. Thông thường, quốc gia nơi xảy ra tai nạn sẽ dẫn đầu cuộc điều tra, bên cạnh giới chức từ những nước có nạn nhân và nước sản xuất máy bay. Câu hỏi về những gì đã xảy ra với chiếc Boeing 737-800 của UIA thậm chí khó trả lời hơn khi quan hệ giữa Iran, nơi xảy ra tai nạn và Mỹ, nước thiết kế và sản xuất máy bay đang vô cùng căng thẳng.
Các hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay thường được chuyển tới nhà sản xuất máy bay để phân tích. Tuy nhiên, Ali Abedzadeh, người đứng đầu Cục Hàng không Dân dụng Iran, cho biết họ sẽ không gửi hộp đen cho Boeing. "Chúng tôi sẽ không đưa hộp đen cho nhà sản xuất và người Mỹ", Abedzadeh tuyên bố.
"Các chuyên gia kỹ thuật thường chịu trách nhiệm dẫn dắt điều tra. Nhưng nếu tai nạn xảy ra ở Iran, chúng ta phải chờ xem", Michael Huerta, cựu quản lý của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho hay. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), cơ quan thường tham gia điều tra các tai nạn hàng không trên thế giới, cũng chưa nhận được đề nghị tham gia điều tra sự cố ở Tehran.
Vài giờ trước khi tai nạn xảy ra, FAA cấm các máy bay chở khách của Mỹ bay qua không phận Iran do lo ngại nguy cơ chúng bị nhầm với máy bay quân sự. Một số hãng hàng không từ các nước khác hôm qua cũng chuyển hướng để tránh bay qua Iraq và Iran, theo dữ liệu của Flightradar 24.
Sự cố với chiếc Boeing 737-800 khiến nhiều người nhớ tới chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hồi tháng 7/2014 trúng một quả tên lửa phòng không ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, nơi phe ly khai thân Nga kiểm soát, khi đang trên hành trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur.
Peter Goelz, cựu giám đốc NTSB, cho rằng các điều tra viên nên ưu tiên xem xét khả năng máy bay bị tấn công. "Sự việc khiến chúng tôi tỉnh giấc", Sajad Shirkhani, cư dân sống gần hiện trường, kể lại. "Tất cả cửa sổ trong nhà của chúng tôi đều bị vỡ. Chúng tôi chạy ra ngoài và nghĩ rằng vừa có vụ tấn công bằng tên lửa".
Tuy nhiên, phát ngôn viên lực lượng vũ trang Iran Abolfazl Shekarchi cho biết nguyên nhân vụ tai nạn của hãng UIA không bắt nguồn từ bất cứ hành động quân sự nào. "Họ đang tuyên truyền rằng máy bay của Ukraine bị nhắm mục tiêu. Điều đó thật nực cười. Hầu hết hành khách là những công dân Iran trẻ quý giá của chúng tôi. Mọi hành động của chúng tôi đều nhằm bảo vệ đất nước và người dân", ông nói.
Chiếc Boeing 737-800 rời sân bay Imam Khomeini vào 6h12 giờ địa phương, đã đạt độ cao hơn 2.400 m và vận tốc hơn 480 km/h, theo Flightradar24. Sau khi cất cánh khoảng hai đến ba phút, nó đột ngột biến mất khỏi màn hình radar, mặc dù vẫn ở trên không thêm vài phút. Abedzadeh cho biết phi cơ không thông báo với tháp điều khiển về trường hợp khẩn cấp.
Hãng thông tấn ISNA của Iran chia sẻ đoạn video mà họ nói rằng quay lại cảnh vụ tai nạn, cho thấy máy bay dường như bốc cháy trước khi lao xuống, sau đó quầng sáng lớn xuất hiện khi máy bay chạm đất và phát nổ. Qassem Biniaz, quan chức thuộc Bộ Phát triển Đường và Đô thị Iran, cho biết một động cơ trên máy bay đã bốc cháy và phi công không thể kiểm soát trở lại.
5 nguồn tin an ninh giấu tên tới từ nhiều nước cũng cho biết theo đánh giá ban đầu của các cơ quan tình báo phương Tây, nguyên nhân dẫn tới tai nạn là trục trặc kỹ thuật, không phải do tên lửa. Nguồn tin từ Canada cho biết có bằng chứng cho thấy một trong các động cơ trở nên quá nóng.
Tuy nhiên theo giới chuyên gia, các máy bay thương mại được thiết kế đủ khả năng hoạt động ngay cả khi một động cơ bị hỏng. Sự cố cháy động cơ cũng thường xuyên xảy ra và hiếm khi dẫn tới rơi máy bay.
Một giả thuyết khác được đưa ra là động cơ bị vỡ, hay còn gọi là lỗi động cơ "không thể kiểm soát". Trong trường hợp này, máy bay thậm chí có thể bị phá hủy do các mảnh vỡ văng ra, nhưng tình huống như vậy hiếm khi xuất hiện. Hồi năm 2018, một chuyến bay của hãng Southwest Airlines trên đường từ New York tới Dallas đã gặp sự cố này, khiến một người thiệt mạng.
Chiếc Boeing 737-800 rơi ở Iran được sản xuất năm 2016 và vừa bảo dưỡng hôm 6/1, UIA cho biết. Hãng hàng không chưa đưa ra giả thuyết nào về diễn biến sự cố và từ chối trả lời câu hỏi liệu máy bay có bị bắn hạ hay không, chỉ lưu ý rằng phi hành đoàn trên khoang được đào tạo bài bản.
Trên trang web của hãng, UIA cũng cho biết mức độ an toàn trên các chuyến bay hợp tác với nước ngoài của họ đã được kiểm chứng và phù hợp với tiêu chuẩn của FAA. Hãng hàng không này chưa từng gặp tai nạn nghiêm trọng nào, theo dữ liệu của Quỹ An toàn Bay, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ.
Phiên bản 737-800 của Boeing thuộc dòng 737-NG, một trong những dòng máy bay chở khách được sử dụng rộng rãi nhất thế giới, với hơn 7.000 chiếc được đóng kể từ năm 1998, phục vụ hơn 250 triệu giờ bay và có dưới 12 vụ tai nạn chết người.
Tuy nhiên, các máy bay của hãng Boeing năm qua bị nghi ngờ về độ an toàn sau hai vụ tai nạn của dòng 737 MAX, liên quan tới hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), khiến Boeing rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay.
Trong một bài báo về vụ tai nạn của hãng UIA, hãng thông tấn Fars của Iran viết rằng "các máy bay chở khách Boeing 737 nổi tiếng thường xuyên gặp vấn đề kỹ thuật", ám chỉ hai vụ tai nạn tại Indonesia hồi tháng 10/2018 và tại Ethiopia hồi tháng 3/2019.
Theo các chuyên gia, hãng Boeing có lẽ cũng cần đánh giá lại những nguy cơ rủi ro với dòng 737-NG. Cổ phiếu của hãng đã giảm gần 2% sau tai nạn hôm qua. Nếu cuộc điều tra kết luận sự cố ở Tehran là lỗi kỹ thuật, Boeing có lẽ sẽ phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)