Lễ vật trong lễ đặt tên
Người Dao Tuyển (Lào Cai) có tục khi đứa trẻ sinh ra được ba ngày tuổi thì họ sẽ làm lễ đặt tên cho con. Đây là nghi lễ quan trọng đánh dấu sự ra đời của đứa bé và trở thành một thành viên mới trong dòng họ nên người Dao Tuyển rất coi trọng việc đặt tên cho đứa trẻ. Theo quan niện của họ, đứa trẻ có thông minh, khỏe mạnh hay không là nhờ vào sự che trở nâng đỡ của 12 bà mụ và có một cái tên hợp với mệnh.
Lễ vật trong lễ cúng mụ và đặt tên gồm có: 12 đôi hài xanh, 12 nén vàng xanh, 12 con tôm, 12 con cua, 12 con ốc, xôi, gà, rượu và năm sợi chỉ màu. Khi lễ vật được dâng lên người cha hát:
“Nay vợ chồng sinh được con nhỏ
Dâng mâm cơm cúng báo tổ tiên
Hương hoa thơm hiến dâng thần thánh
Gà rượu xôi thơm khắp tuần nhang
Chắp tay lạy khấn cầu tiên tổ
Thần thổ địa và Pù Rằn man
Mời bà mụ tứ phương bận rộn
Xin về đây dạy bảo con thơ…”.
Lời bài hát chính là lời cầu khẩn Đế Mẫu và tổ tiên che chở, “dạy bảo” cho đứa trẻ những điều tốt đẹp để đứa trẻ ngoan ngoãn, trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng.
Các nghi thức chính trong lễ đặt tên
Trong nghi thức đặt tên cho đứa bé, người Dao Tuyển có những điều kiêng kỵ như: không đặt tên trùng với các vị thần linh, không được đặt trùng tên với người trong họ, tên không được xung với mệnh...
Nếu lỡ đặt tên phạm vào những điều kỵ phải lập tức làm lễ đổi tên nếu không đứa trẻ sẽ không được thần linh, tổ tiên phù hộ, che chở và sẽ bị tà ma, khí độc quấy rầy.
Khi đứa trẻ được ba ngày tuổi, gia đình bày tiệc cúng mụ và xin tên cho đứa trẻ, trong nghi lễ này, cha đứa trẻ là người trực tiếp đứng lễ và hát cầu thần “Đế Mẫu” (bà mụ) đồng thời xin với tổ tiên được đặt tên cho đứa trẻ.
Bà mụ trong tín ngưỡng của người Dao Tuyển được xem là bà mẹ vĩ đại. Bà có khả năng làm cho những linh hồn tại núi Hoa Sơn đến đầu thai tại nơi trần thế thông qua hình thức sinh đẻ của người phụ nữ.
Bà mụ còn là người chăm sóc phù hộ cho đứa bé và sức khỏe sản phụ nên trong buổi lễ người cha đứa trẻ thường mở đầu bằng bài hát bài “Cầu”, với mong muốn đứa trẻ được các bà mụ nâng đỡ “hay ăn chóng lớn”, luôn vui cười, không quấy khóc.
“Cầu thần Đế Mẫu
Mở chài thả cá
Mở lồng thả chim
Mở tay thả hồn
Hồn nhập vào người
Hồn cười hồn khỏe”.
Khi chọn được tên phù hợp cho đứa trẻ người cha viết tên vào tờ giấy đỏ đặt trên mâm lễ và hát:
“Cầu che chở cho con được phúc
Mang điều lành, đuổi tàn ác dữ
Dù đi đâu không gặp gió độc
Ma ác cúi đầu, gặp niềm vui…”.
Trong lời hát chúng ta nhận thấy đây thực chất là một lời cầu phúc cho đứa trẻ, sẽ gặp những điều tốt lành trong cuộc sống không gặp phải điều ác, “gặp gió độc”, có cuộc sống bình yên từ khi còn bé tới lúc về già.
Trong lễ cúng đặt tên, người cha thường bỏ một chút muối vào bếp lửa được đặt trong nhà, bởi người Dao Tuyển cho rằng tiếng muối nổ lách tách cùng với ánh lửa hồng sẽ khiến “ma phải cúi đầu”, “bỏ đi nơi khác”, “không dám về gần” để làm hại đứa trẻ: “Cái gì xấu, bỏ đi nơi khác/ Cái gì xấu không dám về gần” và “Khi lớn lên không làm điều xấu/ Biết buôn bán gặp nhiều phúc dày”.
Người Dao Tuyển cũng như một số dân tộc khác, đứa trẻ khi sinh ra đều lấy họ cha, trừ trường hợp người đàn ông đi ở rể thì đứa trẻ mới lấy theo họ mẹ. Vì thế, mỗi đứa trẻ ra đời không chỉ là niềm vui của gia đình mà nó còn là niềm vui lớn của một dòng họ nên sau nghi thức đặt tên người cha sẽ làm lễ báo với tổ tiên trong dòng họ từ nay sẽ có thêm một người:
“Chắp tay khấn vái các thần trên
Cúi đầu khấn vái các thần dưới
Báo hôm nay có thêm một người
Niềm vui lớn ghi tên dòng họ”.
Sau khi báo cáo với thần linh, tiên tổ người cha lấy năm sợi chỉ màu trên mâm cúng tết thành sợi dây ngũ sắc cho đứa trẻ đeo để trừ tà ma và cũng chính là tượng trưng cho năm giới mà đứa trẻ sẽ trải qua.
Như vậy, nghi lễ sinh nở của người Dao Tuyển ở Lào Cai diễn ra theo trình tự từ khi đứa bé ra đời, đến khi đặt tên. Đây là một nghi lễ không thể thiếu được trong hệ thống nghi lễ vòng đời của mỗi sinh linh Dao tộc. Các nghi lễ đó, thể hiện niềm tin và niềm hy vọng của gia đình về tương lai tốt đẹp của đứa trẻ.
Các bài dân ca nghi lễ trong quá trình thực hành nghi lễ sinh nở đã biểu hiện khát khao giao cảm của con người trần gian với thế giới thần thánh, siêu nhiên hay với tổ tiên giống nòi của họ; họ mong ước của các lực lượng linh thiêng ấy phù trợ cho đứa bé có sức mạnh, tài trí và trở thành một con người hữu ích.
>> Xem thêm: Bữa cơm có thịt cho trẻ nghèo vùng cao
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.