Chưa một lần được đặt chân lên mảnh đất Tây Bắc, chưa từng được trải nghiệm cái giá lạnh đóng thành băng tuyết của mùa đông trên nẻo cao, nhưng nhìn thấy hình ảnh những em nhỏ đến trường tím tái trong tà áo mong manh, chỉ ăn cơm với muối riềng, măng muối qua các bài viết của những người trong chuyến từ thiện chương trình “Cơm có thịt” và những phóng sự về vùng cao mà tôi thấy mình may mắn quá.
Ở nơi ấy, cho đến giờ vẫn còn hàng vạn những em nhỏ vẫn còn ăn cơm độn ngô và sắn. Hành trình đi tìm con chữ của các em sao nhọc nhằn quá, nhất là vào những ngày mùa đông giá rét của phương Bắc vô cùng khắc nghiệt. Thật xót xa khi nhiều người dân, các em nhỏ Việt Nam miền núi lại vẫn đang thiếu những bữa cơm có thịt cá đầy đủ chất dinh dưỡng, những cái áo ấm và tấm chăn ấm.
Một em nhỏ trường tiểu học Dền Thàng (Bát Xát, Lào Cai) co ro trong cái lạnh của miền Bắc, đôi chân trần với manh áo mỏng. Bữa cơm của các em chỉ có cơm và một ít canh bí. Ảnh: Cơm có thịt. |
Ảnh: Trao áo ấm cho trẻ em vùng biên giới |
Khi những ngày giáp tết đến gần, trên đường phố Sài Gòn dòng người hối hả mua sắm, quán sá, đường phố rực rỡ đèn hoa. Nhiều bài báo viết về những cành đào, cây mai có giá hàng chục tới trăm triệu, những nhà giàu mua về để chưng cho đẹp, nhưng ở miền núi cao vẫn còn nhiều hoàn cảnh sống như thế.
Cơm có thịt đã giúp cải thiện phần nào bữa ăn cho các em. |
Nếu nhiều trẻ em ở các thành phố, được sống trong sự yêu thương của cha mẹ, dưới những ngôi nhà ấm áp ánh điện, được ăn no mặc ấm, được học hành đầy đủ, thì với những bé thơ nghèo ở vùng biên giới phía Bắc, việc được ăn no mặc ấm, có điện, có nước vẫn còn là một điều quá xa xỉ mà có nhiều em chưa bao giờ thấy. Nơi đó, những bữa cơm có thịt, cá, những bộ quần áo, đôi dép mới trước thềm năm mới vẫn là một ước mơ còn quá lớn mà nhiều em còn chưa bao giờ mơ đến.
Mong muốn chia sẻ với những thiếu thốn, khó khăn của các em nhỏ kém may mắn được bắt đầu từ sau chuyến đi hơn một năm về trước của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Khi đó, ông tân mắt chứng kiến những em nhỏ đi học chỉ được cha mẹ gửi 2kg gạo và 5000 đồng cho một tuần lễ. Với số tiền này các thầy cô giáo phải cho thêm thì mới đủ mua ít rau và vài con cá khô cho các em ăn trong những ngày đông lạnh giá.
Chương trình Cơm Có Thịt ra đời, các thành viên ở trong nước và nước ngoài đã bằng nhiều hình thức khác nhau như: quyên góp, bán đấu giá những món quà, in lịch, gom đồ cũ... Có những thành viên ở nước ngoài còn tổ chức lớp dạy nấu món ăn Việt cho người bản địa để lấy tiền gửi về cho chương trình. Mỗi người một ý tưởng, nhưng tất cả đều vì một mục đích là quyên góp được càng nhiều tiền, vật dụng học tập, quần áo ấm… ủng hộ cho trẻ em càng tốt.
Chỉ cần mỗi tháng 6 đôla là chúng ta đã giúp cho một em bé được ăn uống đủ chất, cơm có thịt trong một tháng.
Bác Khải (tiến sỉ vật lý) năm nay đã ngoài 70 tuổi cùng đoàn Cơm có thịt giúp bộ đội biên phòng lắp điện năng lượng mặt trời cho trường mần non Nậm Ty Điện Biên. Ảnh: Cơm có thịt. |
Ra mắt từ cuối năm 2011, đến nay chương trình từ thiện Cơm Có Thịt đã nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn người Việt giàu lòng nhân ái ở khắp mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt giới sinh viên và học sinh mặc dù nghèo nhưng rất giầu tấm lòng đã đóng góp từng xu, từng cent ở khắp mọi nước trên thế giới, từ đi bán hàng, để hộp từ thiện để khách nước ngoài ăn xong bỏ tiền thừa vào hộp. Có những em bé ở Đức, Pháp rất tò mò khi nhìn thấy cái hộp “Only Rice is not Enough” và đã bỏ hết tiền xu vào đó.
Đã có rất nhiều những chuyến hàng, liên tục, kịp thời đến với các trường vùng sâu, vùng xa nhất của đất nước mang Cơm Có Thịt đã đến được với gần một vạn trẻ em nghèo các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai…
Nồi cơm này đã lớn nhanh hơn nồi cơm “Thạch Sanh” khi tăng với cấp số nhân, vì nó đi vào lòng người, đi vào lòng nhân ái trong xã hội.
“Bầu ơi thướng lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Những ngày sắp tới chúng tôi hi vọng sẽ còn có nhiều hơn nữa những tấm lòng chia sẻ, những chuyến hàng đến với các em. Như câu khẩu hiệu được các thành viên của Cơm Có Thịt vẫn thường hay nói là “để sẻ vài miếng thịt vào bát cơm của trẻ, ít thôi nhưng đều đặn”. Để các em được ăn no hơn, mặc ấm hơn, ngủ ngon hơn và ước mơ cũng được bay cao, bay xa hơn.
Bình Nguyên, thành viên Cơm Có Thịt TP HCM