Đây là đám cưới khá đặc biệt mà tôi từng biết. Cuộc hôn nhân mà "cặp giai nhân" tới tận ngày cưới mới được thấy mặt nhau, còn hai bên gia đình thông gia chỉ chú ý tới đến việc trao đổi tài sản và đặt nặng vấn đề vật chất.
Éo le chuyện cưới ép duyên
Nghe anh bạn kể về một đám cưới “ép duyên” bản địa tại huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế), gác lại mọi chuyện, tôi đến “mục sở thị” xem nó ra sao. Sau hành trình dài, chúng tôi cũng tới được hôn trường. Chú rể tên Linh , người dân tộc Pa-cô, mới sinh năm 1992, là sinh viên năm nhất trường sư phạm. Cô dâu tên Hà, người dân tộc Cơ-tu, sinh năm 1993, tân sinh viên ngành Luật.
Trước đấy, qua mai mối từ một bà mai trong vùng cũng như sự quen biết ngẫu nhiên giữa hai ông bố trong một chuyến đi rừng, thấy gia cảnh hai gia đình đều khá giả nên hai ông bố hứa gả con cho nhau, tất nhiên không cần hỏi ý kiến của Linh và Hà. Đây là tục hứa hôn mà nhiều vùng miền vẫn còn tồn tại.
Khi nhận được tin mình sắp lấy vợ, Linh cũng không ngạc nhiên cho lắm vì biết chắc chắn không sớm thì muộn cũng phải đối mặt với những tục lệ này. Linh quả quyết với bố mẹ rằng anh chưa muốn lấy vợ và sẽ nghỉ học nếu bị ép cưới. Anh vẫn tiếp tục việc học ở trường, tưởng đâu mọi chuyện sẽ dừng lại tại đó, ai ngờ đến cận ngày cưới, anh bị bố xuống tận phòng trọ dẫn về.
Về phần Hà, cô gái trẻ mới 18 tuổi, cô biết mình không thể trốn chạy khỏi những tập tục của dân tộc mình nên đồng ý kết hôn với yêu cầu gia đình vẫn cho cô đi học sau đám cưới.
Việc ép hôn thường ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, tương lai và hạnh phúc của các cặp đôi. Vòng lễ giáo gắt gao đã trói buộc họ, kìm hãm mọi khả năng chống chế. Bởi vậy, không còn cách nào khác Hà và Lịnh đành “ngậm bồ hòn” về vùng núi cao làm đám cưới.
Hà thì cứ nghĩ chắc mình phải lấy một người chồng giàu nhưng lại già, còn Linh thì đoán mình sẽ lấy một cô sơn nữ miền núi dễ thương nhưng ít học, khoảng cách về trình độ văn hóa và lối suy nghĩ thì làm sao sống chung cho được.
Giây phút đó rồi cũng tới, sau khi hoàn thành xong các thủ tục, đôi bạn trẻ được thấy mặt nhau. Oái oăm thay “trái đất tròn”, họ chính là bạn học chung lớp thời phổ thông. Sau này cả hai chia sẻ rằng khi thấy mặt nhau, họ đều mừng thầm với suy nghĩ: “Ít ra vợ chồng mà cùng chung trình độ văn hóa, cùng suy nghĩ thì sau này dễ dàng cho việc ly dị hơn”.
Đám cưới nặng vật chất và lễ nghi
Đám cưới theo phong tục diễn ra . Vài ngày trước, bố Linh có tới đưa cho bố mẹ Hà một triệu đồng để lo đám cưới. Nhà gái sẽ dùng tiền đó mua một con lợn giết thịt, đầu tiên đem cúng tại nhà Rông, sau đó tới nhà nội ngoại của cô dâu và cuối cùng là nhà cô dâu.
Nhà trai chỉ đến tầm 10 người, họ lấy đi một con trâu, hai con bò, một con heo, tivi, đầu DVD, ngay cả chiếc xe Honda đời cũ của bố Linh cũng bị bố Hà đòi luôn. Ngoài hiện vật, nhà trai còn phải nộp cho nhà gái ba triệu tiền mặt và hai chỉ vàng.
Nhiều gia đình trở nên điêu đứng sau khi cưới vợ cho con. Cán bộ, chính quyền đã nhiều lầ khuyên bà con dân tộc bỏ tục này đi nhưng theo quan điểm của họ thì đây là “lệ làng”, không thể xóa bỏ được. Đây cũng chính là điều bất cập đang tồn tại, làm đau đầu chính quyền sở tại.
Tùy vùng miền mà cách thức rước dâu có nét khác nhau nhưng thông lệ vẫn diễn ra vào ban ngày. Dị biệt ở chỗ người dân vùng này rước dâu trong đêm khuya. Sau buổi tiệc trà, nhà trai không rước dâu về ngay mà ngủ lại ngoài sân nhà gái. Đúng 3h sáng, chú rể mới được phép đưa cô dâu về nhà.
Theo quan niệm của người Cơ-tu, rước dâu vào ban đêm để thần núi không bắt đi linh hồn của người phụ nữ và cô dâu mới không nhớ đường về nhà mình nữa.
Bố đẻ khoác lên người Hà một tấm zèng, đây là loại thổ cẩm trông rất sặc sỡ của người Pa-cô và là món đồ hồi môn mà gia đình cho cô ấy. Trong ngày cưới, người con gái thường khóc lóc rất thảm thiết. Trái lại, Hà không khóc mà thấy vui khi lấy được Linh. Sau khi đưa nhau vào phòng, đôi bạn trẻ ôm bụng cười và bàn tính việc ly hôn trong khi đám cưới chưa kết thúc.
Nhà gái đáp lễ khá khiêm tốn, gồm một thúng bánh sừng trâu, ngoài ra còn có thêm 10 tấm zèng, một đôi chiếu được dệt bằng lá dứa, vài bộ xoong nồi. Đặc biệt, nhà trai phải gói tất cả thức ăn thừa còn sót lại đem về. Người Cơ-tu quan niệm, rước dâu đi rồi thì phải mang theo tất cả những gì còn thừa trong tư gia nữ, còn sót lại thứ gì sẽ đem xui xẻo đến cho gia đình.
Nhà Linh cách nhà Hà một giờ đi bộ. Sau khi “đưa nàng về dinh”, hai người đã thấm mệt nhưng họ vẫn phải tiếp tục với những lễ nghi truyền thống. Về tới cổng, cô dâu và chú rể không được vào nhà mà đứng chờ mẹ Linh cầm ra một con gà trống tơ đưa cho đôi vợ chồng mới cưới, mỗi người cầm một cánh cùng nhau đi vào nhà.
Mẹ Linh giải thích tập tục này là cầm con gà cúng thần ngõ, thần đất, các thần sẽ phù hộ cho đôi vợ chồng mới cưới được hạnh phúc, sinh con đàn, cháu đống.
Con gà được giết thịt, máu gà được quệt lên trán của chú rể và má cô dâu. Mặt trời vừa mọc thì tại nhà trai diễn ra lễ cúng. Mâm lễ gồm xôi nếp, bánh sừng trâu của nhà gái và con gà vừa rồi. Đặc biệt là sau khi cúng xong, đôi vợ chồng mới cưới phải ăn hết mâm lễ, không được ai ăn giúp. Nếu ăn không hết và để sót lại thì coi như có tội với thần núi, với ông bà tổ tiên.
Chiều hôm đó, mẹ chồng đưa Hà ra con suối nhỏ, cầm theo một cái rổ nhỏ. Bà yêu cầu Hà xuống suối bắt cho được tôm hoặc cá gì đó, miễn là động vật thủy sinh. Sau cú trượt chân đến nỗi u đầu, vật vã dưới suối mà chẳng bắt được con gì, mẹ chồng có vẻ không hài lòng cô dâu mới này cho lắm.
Hỏi ra mới biết, đây là tập tục kén dâu của người Pa-cô, nếu cô dâu mới vớt được cua thì sau này về sẽ bắt nạt chồng, bắt được cá thì sau này là nữ tướng trong gia đình, còn vớt được tép thì biết chăm lo cho chồng con. Hà vớt mãi mới được con tép, may thay cho nàng dâu mới, hú hồn cho tục kén dâu.
Nhân duyên trời định
Sau khi hoàn thành hết những thủ tục cưới hỏi, hai người liền trở lại trường học tập và coi như chưa có gì xảy ra. Sau khi cưới, hai bên gia đình bắt họ phải sống chung, không còn cách nào khác, cả hai tạo nên một kịch bản rất hoàn chỉnh và diễn thành công màn kịch mang tính chất bi hài này để che mắt gia đình, nhưng thực chất họ sống riêng.
Khi bố mẹ xuống thăm thì họ chuyển về một phòng, giả chung sống và đón tiếp, nếu không thì bố mẹ biết chuyện sẽ “cắt lương” thì biết lấy gì để ăn học thành tài. Là những sinh viên trẻ, có học thức và hiểu biết nên họ không đặt nặng vấn đề vợ chồng, điều họ chú tâm thực sự là chuyện học hành, thi cử.
Linh và Hà quyết định sau khi ra trường sẽ về thú nhận với gia đình, xin được ly hôn mặc dù hai người chưa hề đăng kí kết hôn, chẳng qua chỉ là đám cưới suông, trình diện bà con họ hàng mà thôi. Việc này sẽ rất khó khăn với người dân tộc nhưng họ sẽ cố hết sức để được ly hôn.
Tưởng rằng mọi việc sẽ diễn ra như những gì đã dự liệu nhưng chuyện tình duyên luôn khó nói. Sau những lần diễn kịch khi bố mẹ xuống thăm, họ ở cạnh nhau, đã thấu hiểu hoàn cảnh của nhau. Như cơ duyên gắn chặt đôi trẻ, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, một tình yêu đẹp nảy nở.
Ngày kỉ niệm hai năm ngày cưới, Linh quyết định tỏ tình với Hà. Họ công khai những điều mà bấy lâu nay giữ tuyệt mật cho bạn bè, những người xung quanh được biết. Những thông tin ấy được lan truyền trên Facebook một cách nhanh chóng, vô tình làm nên một điều kì diệu...
Đây chỉ là trường hợp hy hữu trong vô vàn những đám cưới “ép duyên” mà thôi. Nếu giữa Linh và Hà không nảy nở tình yêu thì họ có được gia đình và bản làng trên đó cho phép ly hôn?
Có rất nhiều cặp vợ chồng hiện nay đang ngày đêm phải gánh chịu tục “tảo hôn” này khiến cho cuộc sống của họ không hạnh phúc, bất hòa và nhiều hệ lụy khác . Thật vui khi biết được rằng hai người họ không ly dị nữa mà sẽ đi đăng kí kết hôn, tiếp tục xây dựng một cuộc sống gia đình, cuộc hôn nhân hoàn toàn tự nguyện không có sự ép buộc nào.
Tên nhân vật đã được thay đổi
>> Xem thêm: Đám cưới vắng chú rể do bận đi tu ở Cà Mau
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây