Sickles hét lên: "Mày là kẻ vô lại, mày khiến gia đình tao nhơ nhuốc, mày phải chết!".
Dan Sickles sinh ra trong một gia đình giàu có ở New York và học ngành luật. Ông 33 tuổi khi kết hôn với thiếu nữ Teresa Bagioli, 16 tuổi. Sau khi ông được bầu vào hạ viện năm 1856, cặp vợ chồng rất nổi tiếng trong giới thượng lưu ở Washington D.C.
Cả Dan và Teresa đều ngoại tình. Dan thường lui tới nhà thổ nhưng chỉ cuộc tình ngoài luồng của Teresa gây phẫn nộ. Vào thế kỷ 19, việc một người vợ "cắm sừng" chồng bị xã hội lên án, nhưng đàn ông làm điều tương tự được coi là chuyện bình thường.
Đầu mùa xuân năm 1858, Teresa ngoại tình với Barton Key, bạn thân của Sickles và là con trai của Francis Scott Key, người viết lời cho quốc ca Mỹ. Key từng được một người chuyên viết về các "chuyện ngồi lê đôi mách" ở thủ đô gọi là "người đẹp trai nhất trong giới tinh anh Washington D.C.".
Để hẹn họ bí mật, Key thường ra ám hiệu cho Teresa bằng cách đứng trên đường vẫy khăn tay. Cặp đôi gặp nhau tại một ngôi nhà chỉ cách Nhà Trắng vài bước chân. "Tôi đã làm những điều một phụ nữ bại hoại làm", Teresa nói.
Ngày 24/2/1859, Sickles nhận được một lá thư nặc danh tố cáo vợ ngoại tình. Nghị sĩ nổi giận đối chất Teresa và buộc cô viết lời thú nhận.
Ba ngày sau, Sickles thấy Key đứng bên ngoài nhà mình vẫy khăn tay ra hiệu cho Teresa. Cầm theo ba khẩu súng, Sickles lao ra đối đầu với Key.
Sickles bắn khẩu súng ngắn trước khi Key kịp nói lời nào. Key ném một cặp kính xem opera vào Sickles và cố gắng trốn đằng sau một cái cây, nhưng Sickles tiếp tục bắn cho đến khi một người qua đường vật ông xuống đất.
Sickles đã giết Key ở công viên Lafayette vào một chiều chủ nhật đầy nắng. Sau đó, ông đi xe ngựa đến nhà Bộ trưởng Tư pháp Jeremiah S. Black để đầu thú.
"Vụ ngoại tình kết thúc bằng bi kịch này gây xôn xao khắp nước Mỹ", tờ New York Herald viết. "Trên đường phố, tại các tòa án, tại nơi công cộng hay ở nhà riêng, mọi người đều bàn luận về việc này".
Ngay cả Tổng thống James Buchanan cũng thể hiện quan điểm về vụ án giật gân. Ông gửi thư ủng hộ Sickles khi nghị sĩ bị giam để chờ xét xử. Sickles trả lời phỏng vấn báo chí từ trong tù. "Anh ta khiến tôi chịu ô nhục, chúng tôi không đội trời chung", Sickles nói với một báo.
Tờ Harper's Weekly dự đoán kết quả trước khi phiên tòa bắt đầu: "Công chúng Mỹ sẽ thấy việc nghị sĩ giết người làm mình ô nhục là hợp lý".
Dan Sickles thuê 8 luật sư để bào chữa cho ông trong phiên tòa. Luật sư John Graham nói rằng ngoại tình là hành vi xấu xa và việc phát hiện ra cuộc tình ngoài luồng của vợ đã khiến Sickles "điên tạm thời".
"Điên tạm thời" khi đó là một khái niệm mới trong các tòa án Mỹ. Trước đó từng có nhiều luật sư biện hộ rằng thân chủ của mình bị điên nhưng không ai nói rằng thân chủ chỉ bị "điên tạm thời".
Nhưng Graham trông cậy vào sự thông cảm của bồi thẩm đoàn đối với Sickles. "Tôi sẽ luôn duy trì quan điểm rằng giết một kẻ thông dâm không phải là bi kịch", Graham nói.
"Một người phụ nữ ngoại tình sẽ mong mỏi chồng mình chết đi, có thể bằng một chén thuốc độc, một con dao găm hay một khẩu súng lục", một luật sư bào chữa khác nói. Dan Sickles mô tả mình như người báo thù cho gia đình bị vấy bẩn, vợ ông là một phụ nữ phóng đãng và Key đáng phải chết.
Thẩm phán không quá tin vào lời bào chữa "điên tạm thời". Trong chỉ dẫn cho bồi thẩm đoàn ngày 26/4/1859, thẩm phán nhấn mạnh rằng Sickles đã biết việc vợ ngoại tình ba ngày trước khi sát hại Key và ông có thể dùng ba ngày đó để lên kế hoạch trả thù.
Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn chỉ mất một giờ để tuyên bố Dan Sickles không phạm tội vì lý do "điên tạm thời". Phòng xử án vang lên tiếng vỗ tay giòn giã ,1.500 người cùng Sickles diễu hành trên đường phố để ăn mừng. "Chúng tôi coi đây là phán quyết sai lầm và tinh quái nhất", tờ Tribune viết.
Mặc dù vụ án của Sickles là trường hợp đầu tiên được tha bổng nhờ lý do "điên tạm thời", bồi thẩm đoàn gần như chắc chắn không tin vào cách lập luận đó. Thay vào đó, họ cho rằng Key tự chuốc lấy cái chết.
Tuy nhiên, phán quyết này đã tạo ra một cơ sở pháp lý mới cho hệ thống pháp luật của Mỹ. Nhiều luật sư bào chữa sau này dùng lý do này để biện hộ cho thân chủ. Năm 1994, Lorena Bobbit đã được tha bổng sau khi cắt "của quý" của chồng.
Sau khi vụ án khép lại, Sickles một lần nữa gây xôn xao vì hòa giải với vợ thay vì ly dị - quyết định khiến ông bị các đồng nghiệp và truyền thông chỉ trích. Họ chung sống cho đến năm 1867, khi Teresa chết vì bệnh lao ở tuổi 31.
Nghị sĩ gửi một lá thư tới tờ New York Herald ngày 19/7/1859, cầu xin công chúng hãy để Teresa yên và trút giận vào ông.
"Chúng tôi hy vọng những người đã thông cảm với Sickles, đặc biệt là bồi thẩm đoàn đã tôn vinh ông như một người bảo vệ vĩ đại cho sự tôn nghiêm của hôn nhân hài lòng với kết quả này", tờ Baltimore American châm biếm.
Phương Vũ (Theo Washington Post/ATI)