"Nghị sĩ Suzuki đã gặp người đứng đầu đảng Đổi mới Nobuyuki Baba và tôi. Ông ấy gửi đơn xin rời khỏi đảng và đã được chấp nhận. Ông ấy sẽ ra đi", Tổng thư ký đảng đối lập trung hữu Đổi mới Fumitake Fujita cho biết trong cuộc họp báo ngày 10/10.
Suzuki, nhà lập pháp kỳ cựu, sẽ tiếp tục giữ chức vụ thành viên Thượng viện cho tới khi nhiệm kỳ kết thúc năm 2025.
Ông Suzuki đầu tháng này tới Nga, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một nghị sĩ Nhật tới Nga từ khi chiến sự Ukraine bùng phát. Nhật Bản là một trong những nước áp lệnh trừng phạt với Nga do cuộc xung đột.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói rằng ông Suzuki không thông báo cho chính phủ về chuyến thăm này. Những lời kêu gọi từ nội bộ đảng nhằm trừng phạt Suzuki ngày càng tăng, đặc biệt sau khi ông trả lời phỏng vấn truyền thông Nga rằng ông tin Nga sẽ thắng trong cuộc chiến với Ukraine.
Tổng thư ký Fujita cho biết đảng đã thực hiện các bước để khai trừ đảng ông Suzuki do chuyến thăm Nga, nhưng Suzuki nói với các lãnh đạo đảng rằng ông muốn tự nguyện rời đi. Theo Fujita, một số nghị sĩ Đổi mới chỉ trích rằng chuyến thăm của ông Suzuki đi ngược chính sách của đảng.
"Vấn đề lớn nhất là Suzuki đến Nga mà không hỏi ý kiến trong đảng, đặc biệt là lãnh đạo đảng", ông cho hay.
Suzuki hôm 9/10 nói với phóng viên rằng ông sẽ chấp nhận quyết định cuối cùng của đảng, song phản bác những chỉ trích nhằm vào mình liên quan bình luận với truyền thông Nga, khẳng định ông cũng thường nói điều tương tự với truyền thông Nhật Bản.
"Một ngày nào đó phải có lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Tôi cũng muốn nói với tất cả mọi người rằng Nga sẽ không bị đánh bại, nhờ chênh lệch về sức mạnh quốc gia giữa họ và Ukraine. Tôi chắc chắn điều này đã được phát sóng trên truyền thông trong nước, vậy tại sao nói điều tương tự ở Nga lại là vấn đề?", ông cho hay.
Suzuki cho biết ông tới Moskva để thúc đẩy quan chức Nga cho phép cư dân cũ của 4 hòn đảo Nga kiểm soát được đến thăm mộ tổ tiên và mở lại các cuộc đàm phán về đánh cá, cho phép ngư dân Nhật đánh bắt ở vùng biển Nga.
Theo Suzuki, phía Nga nói với ông rằng các cuộc đàm phán bị đình trệ do lập trường không thân thiện của Nhật Bản đối với đất nước họ.
Quần đảo Kuril do Liên Xô kiểm soát trước khi Thế chiến II kết thúc, song Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền với 4 đảo cực nam của quần đảo này và gọi là Lãnh thổ phương Bắc. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Kuril khiến Moskva không thể ký hiệp ước hòa bình với Tokyo và quan hệ hai bên căng thẳng suốt nhiều năm.
Ông Suzuki từ lâu ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ giữa Tokyo và Moskva. Ông tham gia sâu vào các chương trình của Bộ Ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga sau Thế chiến II. Ông từng là thành viên đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) nhưng buộc phải rời đi vào đầu những năm 2000 do vướng vào bê bối hối lộ và tài trợ chính trị.
Huyền Lê (Theo Japan Times, Moscow Times)