"Thật không may, loạt sự kiện trong những tuần qua chứng minh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang dần chuyển từ nước trung lập thành quốc gia không thân thiện", Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Thượng viện Nga, trả lời truyền thông ngày 10/7.
Theo nghị sĩ này, Ankara đưa ra loạt "quyết định khiêu khích" sau chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, như ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Kiev, trả tự do cho các chỉ huy tiểu đoàn Azov.
Sau khi gặp Tổng thống Ukraine ở Istanbul ngày 7/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Kiev "xứng đáng" gia nhập NATO. Một ngày sau, ông Zelensky thông báo 5 chỉ huy tiểu đoàn Azov, lực lượng Ukraine chiến đấu ở thành phố Mariupol năm ngoái, đã từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về Ukraine.
Theo thỏa thuận trao đổi tù nhân tháng 9/2022 giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, sau khi được Nga phóng thích, 5 chỉ huy này được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ ở lại đây "đến khi chiến sự kết thúc".
"Hành vi như vậy chẳng khác nào cú đâm sau lưng", ông Bondarev nói thêm, gọi "bước đi không thân thiện" của Ankara là hệ quả áp lực từ NATO và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang nhượng bộ trước các cường quốc phương Tây.
Nghị sĩ Nga cũng khẳng định lý do duy nhất NATO cần Thổ Nhĩ Kỳ là "để kiểm soát eo biển nối Biển Đen và giữ ổn định hoặc gây bất ổn cho khu vực Trung Đông".
"Thổ Nhĩ Kỳ nên nghĩ đến việc rời NATO và thành lập liên minh với Nga", ông Bondarev cho hay.
Nga cuối tuần qua chỉ trích quyết định phóng thích các chỉ huy Azov, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm điều khoản trao đổi tù nhân. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định đây là kết quả từ việc NATO gây áp lực nặng nề cho Thổ Nhĩ Kỳ trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh.
Tiểu đoàn Azov của Ukraine là lực lượng gây nhiều tranh cãi vì có quan hệ với các thành phần cực hữu và Nga gọi đây là nhóm "tân phát xít". Đơn vị này được hợp nhất với Vệ binh Quốc gia Ukraine vào năm 2014, sau khi chống lại lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 10/7 thông báo Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý chuyển đơn xin gia nhập liên minh của Thụy Điển cho quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn sau nhiều tháng phản đối. Moskva chưa bình luận về động thái này của Ankara.
Huyền Lê (Theo CNN, RT)