"Tôi được Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo là chỉ còn 5 trong 15 pháo tự hành PzH 2000 đủ khả năng hoạt động. Nguyên nhân hỏng hóc không phải từ hỏa lực Nga, mà vì quân đội Ukraine sử dụng chúng quá ồ ạt", nghị sĩ Đức Marcus Faber cho biết trong cuộc phỏng vấn công bố hôm 12/8, vài ngày sau khi ông đến thăm Ukraine.
Nghị sĩ Faber nói rằng quân đội Ukraine mong muốn được viện trợ thêm linh kiện cho những hệ thống pháo tự hành này, trong bối cảnh các phụ tùng được Berlin cung cấp trước đó chỉ đủ để khắc phục hư hỏng nhẹ trên chiến trường, trong khi quá trình sửa chữa lớn đòi hỏi các nhà xưởng chuyên biệt mà Kiev không có.
"Họ tỏ ý lạc quan rằng có thể khôi phục khả năng sẵn sàng chiến đấu cho chúng", ông nói và cho biết Ukraine muốn Đức hỗ trợ xây cơ sở hạ tầng sửa chữa trong nước, tránh khả năng phải chuyển các hệ thống PzH 2000 ra nước ngoài để bảo dưỡng.
Bộ Quốc phòng Đức và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Tờ Spiegel tháng trước đưa tin quân đội Ukraine đã thông báo cho Đức rằng nhiều khẩu PzH 2000 gặp trục trặc sau quá trình sử dụng liên tục. Bộ Quốc phòng Đức nhận định vấn đề bắt nguồn từ mức độ khai hỏa dồn dập, ảnh hưởng tới cơ cấu nạp đạn của pháo.
Đức ban đầu từ chối chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Tuy nhiên, Berlin thay đổi lập trường sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz đối mặt với áp lực lớn từ đồng minh phương Tây trong hỗ trợ quân sự cho Kiev. Đức đã chuyển giao 10 pháo tự hành PzH 2000 cho Ukraine, trong khi Hà Lan đóng góp 5 khẩu.
Pháo tự hành PzH 2000 cỡ nòng 155 mm được phát triển trong giai đoạn 1987-1996, sau đó đưa vào sản xuất hàng loạt và biên chế trong quân đội Đức. Đây được đánh giá là một trong những tổ hợp pháo mạnh nhất thế giới, với tốc độ bắn nhanh đến 9 phát/phút.
PzH 2000 có thể mang tối đa 60 viên đạn, có tầm bắn 30-47 km với đạn thường và 67 km với đạn tăng tầm. Tổ hợp pháo tự hành có tầm hoạt động 420 km, đạt tốc độ tối đa 67 km/h trên đường nhựa và 45 km/h trên địa hình gồ ghề. Kíp lái của PzH 2000 gồm 5 người.
Vũ Anh (Theo NTV)