Lãnh đạo ngành du lịch đề xuất Chính phủ kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 thêm bốn ngày để kích cầu du lịch sau Covid-19. Đánh giá về đề xuất này, nhiiều ý kiến bày tỏ quan điểm ủng hộ:
Đề nghị cho nghỉ. Các doanh nghiệp sản xuất muốn lao động đi làm để họ tăng sản xuất sản phẩm. Nhưng về mặt kinh tế dịch vụ thì việc nghỉ 5 ngày sẽ giúp tiêu thụ nhiều hơn hàng hóa, dịch vụ, điều này lại tốt cho các doanh nghiệp dịch vụ, đặc biệt là du lịch, từ đó nền kinh tế quốc dân sẽ tăng trưởng. Về phía người lao động, đi làm mệt mỏi, dịp Quốc khánh nghỉ là rất hợp lòng dân. Do vậy, tại sao cứ phải ôn hòa với khối doanh nghiệp sản xuất. Tôi đề nghị tăng nghỉ Quốc Khánh lên 5 ngày.
Tôi ủng hộ. Vừa kích cầu du lịch, vừa cho các gia đình, các con hồi phục để lấy đà vào năm học mới. Hơn nữa, dịp từ tháng 6 đến tháng 12 cũng không có đợt nghỉ dài ngày.
Chẳng phải do dịch Covid hay gì cả mà so với các nước trên Thế giới, Việt Nam ta thuộc diện được nghỉ lễ, Tết ít nhất trong năm, nên nếu người lao động có thể nghỉ thêm tới 20 ngày mỗi năm cũng là điều bình thường. Còn người sử dụng lao động phải có kế hoạch điều động sản xuất sao cho hợp lý.
Ý kiến hay giúp kích cầu du lịch, có thêm nguồn thu khi thị trường khách quốc tế chưa được mở cửa trở lại.
Tôi ủng hộ tuyệt đối. Kinh tế đang khó khăn, nhất là nguồn cầu. Vì vậy, cho nghỉ 5 ngày sẽ tăng cầu và chi tiêu cho ngành du lịch.
>> 'Tăng năng suất lao động trước khi thêm ngày nghỉ'
Tuy nhiên, không ít ý kiến lại bày tỏ sự nghi ngại đến những hệ lụy về kinh tế có thể xảy ra vì nghỉ lễ dài ngày:
Việc tăng thêm ngày nghỉ phải đánh giá tác động xã hội và kinh tế có tính toàn diện và thận trọng, vì sau thời kỳ dịch Covid-19 là thời kỳ phục hồi sản xuất và thương mại... Còn nếu các công ty, nhà máy nghỉ nhiều thì đa số người dân cũng phải lo lắng tiết kiệm sau thời kỳ khó khăn này, mặc dù có thể có nhiều thời gian nghỉ hơn, không phải do tăng thời gian nghỉ lễ.
Phải có tầm nhìn tổng quan của cả nền kinh tế xã hội, không vì cái lợi cho một ngành, một lĩnh vực. Covid khiến người lao động mất việc đâu chỉ riêng ngành du lịch. Hơn nữa, nghỉ cùng một lúc ồ ạt chưa phải là hay, chưa nói đến việc ùn tắc giao thông, doanh nghiệp đình trệ sản xuất...
Cần xét trên góc độ vĩ mô, doanh thu du lịch là từ nguồn khách nước ngoài, khi đó mới thật sự có lợi. Còn lấy khách nội địa để kích cầu thì khác nào lấy thiệt hại của ngành này đắp vào thiệt hại ngành khác.
Chỉ nghĩ cho bản thân mình như vậy là không được. Nếu đúng nghỉ lễ thì doanh nghiệp khác muốn nhân viên đi làm phải tăng lương, vậy tiền này đâu ra trong khi vì dịch họ đã chịu nhiều thiệt hại? Hơn nữa, chưa chắc người dân đã có tiền mà đi du lịch. Muốn kích cầu thì doanh nghiệp du lịch tự tạo chương trình hấp dẫn, còn người dân muốn đi du lịch cứ việc xin nghỉ phép.
Tôi cũng nghĩ là không nên nghỉ dài. Cùng lắm là nghỉ thêm một ngày để người dân có thời gian hồi phục. Ngành du lịch cần được tạo cơ hội để phục hồi, nhưng không nhất thiết phải dựa vào các kỳ nghỉ. Mỗi lần có nghì nghỉ lễ là thêm một lần bộ mặt du lịch Việt Nam trờ nên nhếch nhác, quá tải. Đi du lịch những dịp nghỉ lễ chẳng khác nào đi hành xác.
Đề xuất này chỉ đứng về một khía cạnh và một góc nhìn thật sự chưa khách quan. Chúng ta còn nhiều ngành khác nữa chứ không phải chỉ mỗi ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tôi không phải chuyên gia để phân tích sâu, nhưng nghỉ như vậy là hoàn toàn không hợp lý.
>> Bạn có đồng tình với đề xuất trên? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.
Việt Thành tổng hợp