"Tôi không biết các bạn hiểu thế nào là 'nghỉ hưu'? Nhưng với tôi, nghỉ hưu là việc một người lao động khi đến một độ tuổi nhất định, điều kiện sức khỏe nhất định sẽ không làm việc nữa. Tuổi nghỉ hưu là thời gian người lao động không làm việc để an dưỡng. Bên cạnh đó, nghỉ hưu có nghĩa rằng bạn sẽ được nhận một khoản lương hưu cố định mỗi tháng để chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, kèm theo đó là các chế độ phúc lợi xã hội khác như Bảo hiểm y tế và các chế độ an sinh xã hội cho người nghỉ hưu.
Nếu các bạn nói 'nghỉ hưu sớm' ở tuổi 30, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng các bạn đang nghĩ chưa đúng về 'nghỉ hưu'. Về cơ bản, đó chỉ là các bạn đang chuyển đổi điều kiện sống và làm việc của mình, từ làm việc trong môi trương cạnh tranh khốc liệt ở văn phòng, kinh doanh... sang làm việc tại nông thôn với công việc mình yêu thích, để tìm đến không khí trong lành của thiên nhiên, không bon chen...
Tất nhiên, đây là điều tốt tùy vào suy nghĩ và hoàn cảnh của mỗi người. Song, nếu xét về nhiều khía cạnh khác: bạn còn phải nuôi con ăn học, tiếp cận với các môi trường sống khác nhau để chúng phát triển. Con các bạn có thể học trường làng ở tiểu học, THCS, THPT... học tiếp lên cao hơn và các chi phí mỗi một giai đoạn sẽ tăng dần lên. Bên cạnh đó, sức khỏe của các bạn sau tuổi 50 có còn được như ngày hôm nay, bệnh tật ngày một nhiều lên... cũng sẽ là những thứ cần cân nhắc.
Tôi không phản bác nhưng cũng không cổ súy cho trào lưu nghỉ hưu sớm để bỏ phố về quê. Ở những nước khác, khi nghỉ hưu ở tuổi 30-40, người lao động đã đóng đầy đủ Bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội; còn ở Việt Nam, đa phần chúng ta chỉ tích góp cho riêng mình, rồi khi thấy đủ sẽ không đi làm nữa. Như vậy không thể gọi là nghỉ hưu sớm được".
Đó là quan điểm của độc giả Hai Doan về xu hướng nghỉ hưu sớm ở tuổi 30 để sống hưởng thụ đang lan rộng trong xã hội Việt ngày nay. Trong xã hội hiện đại, hầu hết mọi người đều phải làm việc với cường độ cao, nên ngày càng nhiều người ao ước và lên kế hoạch về hưu sớm. Thế nhưng, cũng từ đây, người ta chia ra hai luồng ý kiến trái ngược nhau: một bên cho rằng nghỉ hưu sớm là buông bỏ áp lực, bon chen để sống chất, trong khi số khác lại đánh giá đó là biểu hiện thiếu trách nhiệm với xã hội.
>> Tôi nghỉ việc khi có tài sản 20 tỷ đồng
Với quan điểm trái chiều, bạn đọc Tom Tom ủng hộ lối sống hưởng thụ, nghỉ hưu sớm: "Tôi cho rằng, nhiều người hơi phiến diện phản đối lựa chọn nghỉ hưu sớm để sống thanh thản:
1. Nếu bạn cho rằng cuộc sống của những người nghỉ hưu sớm chưa chắc đã tự chủ, tích lũy chỉ giúp họ có lương như một người bình thường, thì bạn đã nhầm. Đứng trước bệnh tật thì ngay cả tỷ phú thế giới cũng chẳng thể tự chủ được. Nhưng ở góc nhìn của một người thuộc tầng lớp chiếm phần lớn thế giới, thì họ đã tự chủ được về vật chất, tinh thần, đam mê, tri thức... Nhìn khối tài sản mà những người nghỉ hưu sớm có, có lẽ người bình thường làm công ăn lương cả đời cũng không sánh nổi.
2. Những người nghỉ hưu sớm thường chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. Họ chịu áp lực phải thể hiện rằng sự phấn đấu của mình gấp nhiều lần những người bình thường. Nhờ đó, những gì họ nỗ lực trong 10 năm có thể bằng những gì người bình thường tạo ra cho xã hội trong cả cuộc đời. Vậy nên không thể lấy những đóng góp cho xã hội làm thước đo cho người nghỉ hưu sớm.
3. Tôi thấy một nền kinh tế mà ai cũng nỗ lực gấp nhiều lần, đóng góp hết mình cho xã hội trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó rút về để tạo điều kiện cho những bạn trẻ tài năng, nhiệt huyết hơn có cơ hội phát triển, đó mới là một xã hội tích cực.
Tóm lại, nghỉ hưu sớm không phải là đầu hàng, kém cỏi, thiếu trách nhiệm với xã hội. Chẳng phải nhiều người đặt mục tiêu làm cả đời cũng chỉ là để lúc về già được sống an nhàn, thanh thản thôi sao? Trong khi đó, những người nghỉ hưu sớm giỏi hơn, nỗ lực hơn, nên cuộc đua này họ đơn giản là người về đích trước".
Quan điểm của bạn thế nào?
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.