Thay vì giải thích lý do ông Kim vắng mặt một cách bí ẩn suốt ba tuần, truyền thông nhà nước Triều Tiên chỉ đăng những hình ảnh và video cho thấy ông dẫn đầu đoàn phụ tá dự lễ khánh thành nhà máy phân bón ở Suchon ngày 1/5.
Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng về tình trạng sức khỏe của ông Kim, hình ảnh ông tươi cười xuất hiện tại sự kiện gửi đi thông điệp rõ ràng: Ông Kim là lãnh đạo tối cao kiểm soát hoàn toàn nỗ lực cải thiện an ninh lương thực của đất nước đang gặp khó khăn kinh tế vì các lệnh trừng phạt, trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành.
Báo đảng Rodong Sinmun ngày 2/5 dành ba trên 6 trang để ca ngợi khả năng lãnh đạo của Kim Jong-un, nói rằng ông đã giúp đất nước "thịnh vượng và tự lực, tự cường".
Nhà máy phân bón mới là kết quả tầm nhìn của ông Kim: xây dựng một nhà máy hiện đại để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và đạt được tiến bộ trong tự động hóa ngành công nghiệp hóa chất, quan chức đảng Lao động Triều Tiên Pak Pong-ju nói tại lễ cắt băng khánh thành.
Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc áp đặt nhiều lệnh trừng phạt vì các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, khiến nước này thường xuyên chật vật với tình trạng thiếu lương thực. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do hạn hán kéo dài, khiến Bình Nhưỡng từng phải phát cảnh báo về nguy cơ nạn đói lan rộng.
"Sản xuất nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân Triều Tiên", Koh Yu-hwan, chủ tịch Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, trung tâm nghiên cứu của chính phủ Hàn Quốc, cho biết.
Koh nhận định việc ông Kim đột ngột "biến mất" rồi bất ngờ tái xuất là một phần trong chiến lược "biến mình thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới mà không cần đến các vụ thử hạt nhân hay tên lửa".
Tuy nhiên, nhà máy sản xuất phân bón Suchon có thể không chỉ đơn giản là cơ sở phục vụ nông nghiệp. Trong quá trình xây dựng từ tháng 6/2017, nó đã nhận được nhiều sự chú ý từ giới lãnh đạo Triều Tiên, với nhiều chuyến thăm của Thủ tướng Kim Jae-ryong và Pak Pong-ju, cấp phó của ông Kim tại Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên.
Các nhà quan sát quốc tế cho rằng nhà máy này là một phần nỗ lực bí mật khai thác uranium để sử dụng trong vũ khí hạt nhân, vì chất này có thể là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất phân bón. Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, có trụ sở tại California, tháng này công bố báo cáo nói rằng có bằng chứng cho thấy nhà máy liên quan đến việc khai thác uranium, phù hợp với chính sách theo đuổi cả sức mạnh kinh tế lẫn quân sự của ông Kim.
Triều Tiên sử dụng nhà máy này vì nó hiệu quả về mặt chi phí và có thể dễ dàng che giấu việc làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân, báo cáo cho biết.
Một loạt tin đồn về sức khỏe đã bùng lên trong quãng thời gian ông Kim vắng bóng. Việc Kim Jong-un tái xuất khiến Mỹ và các nước láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc "thở phào nhẹ nhõm".
Nếu sức khỏe của ông Kim suy giảm, bất ổn có thể diễn ra ở Triều Tiên, người tị nạn có thể cố gắng chạy trốn sang Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc đi thuyền đến Nhật Bản, David Maxwell, chuyên gia từ Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, trung tâm nghiên cứu tại Washington, nói.
"Vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng là mối lo", ông nói thêm. Triều Tiên được cho là không chỉ sở hữu vũ khí hạt nhân mà còn cả vũ khí sinh hóa học. "Rõ ràng chúng ta không muốn trong lúc bất ổn, vũ khí hạt nhân của họ bị tuồn đến tay các tổ chức khủng bố hoặc các nước thù địch với Mỹ".
Theo ước tính gần đây của Siegfried Hecker, giáo sư Đại học Stanford, người từng đến một số cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, nước này sở hữu 2.500 - 5.000 tấn vũ khí hóa học.
Dù các nước không hài lòng với nhiều hành động của Kim Jong-un, nguy cơ Triều Tiên bất ổn vào thời điểm thế giới đang bận bịu chống Covid-19 "khiến tất cả các nước láng giềng hy vọng ông ấy vẫn khỏe", S. Paul Choi, cựu chiến lược gia cho quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, nói.
Phương Vũ (Theo Reuters/WSJ)