Tác phẩm Sóng ngầm sông Hồng ra mắt khán giả hôm 11/7 dưới hình thức online. Buổi trình diễn đem tới không khí hội hè của sân đình nhưng lại được thể hiện trong không gian trưng bày tác phẩm mang hơi thở đường phố đương đại của họa sĩ graffiti Cyril Kongo.
Nghệ sĩ Sao Mai hóa thân Thị Mầu trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Cô thể hiện những động tác đặc trưng của điệu múa chèo kết hợp tinh thần múa đương đại trên nền nhạc Jazz, hiphop cùng cách chơi "scratching" (chà đĩa), xen lẫn tiếng cười đùa của nhân vật Hề chèo do nghệ sĩ Ngọc Minh (Nhà hát Chèo Việt Nam) thể hiện trong vở Xúy Vân giả dại. Sự sáng tạo của các nghệ sĩ còn thể hiện ở cách phối chất nhạc của phương Tây với lối chơi đàn tranh thể nghiệm.
Lại Sao Mai được biết đến với nghệ danh Mai Tinh Vi, là vũ công có nhiều kỹ thuật nhảy hiphop khác nhau như: waacking, soul dance, hiphop, house. Trong hơn 15 năm theo đuổi hiphop, cô thắng gần 30 giải đấu quy mô trong nước lẫn quốc tế, giành giải vô địch hiphop tại Urban Jam 2019. Cô cũng bắt đầu thử nghiệm các lĩnh vực mới như múa đương đại, tiêu biểu là vở Yes yes, No no do Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly biên đạo.
Sóng ngầm sông Hồng là tác phẩm cuối, khép lại chuỗi ba tác phẩm thuộc dự án nghệ thuật "Âm - thanh sắc - màu" của họa sĩ Cyril Kongo. Các nghệ sĩ Việt Nam tham gia gồm: giám đốc sáng tạo kiêm sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Hoàng Anh, nghệ sĩ trumpet Phạm Hoành, nghệ sĩ đàn tranh Hoài Anh, DJ Nguyễn Quang Việt (DJ Jin), nghệ sĩ VFX Vũ An Lin...
Bên cạnh Sóng ngầm sông Hồng, hai tác phẩm còn lại cũng nhận phản hồi tích cực của khán giả trẻ. Màn trình diễn đầu tiên - Tân thời - ra mắt hôm 29/6, lấy cảm hứng từ Số đỏ - tiểu thuyết trào phúng nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng, kết hợp lời thoại từ bộ phim chuyển thể năm 1990 của đạo diễn Hà Văn Trọng và Lộng Chương. Tân thời gây ấn tượng bằng nhạc điện tử, kết hợp tiếng kèn trumpet thể loại standard jazz giàu âm hưởng thập niên 1930, xen lẫn câu nói "Áo nịt ỡm ờ, quần chờ một phút" của nhân vật vợ ông Văn Minh (NSND Như Quỳnh thể hiện) hay những câu của nhân vật Xuân tóc đỏ (nghệ sĩ Trần Quốc Trọng). Tác phẩm thứ hai - Mong manh - ra mắt đầu tháng 7, đưa nhạc cụ dân gian, bộ gõ truyền thống của Việt Nam kết hợp hiphop và ambient - một nhánh của nhạc điện tử.
Cyril Kongo và các nghệ sĩ Việt nảy ra ý tưởng dự án khi trò chuyện về nghệ thuật trong thời gian giãn cách xã hội. Kongo cho rằng quá trình tạo nên các bức vẽ của ông giống nhạc thể nghiệm: vừa đòi kỹ thuật chính xác, nhưng cũng mang nhiều tính ngẫu hứng trong cách thể hiện. Hai tác phẩm chính của ông - bức Paris-Hanoi và Kongo 2021 - được chọn để kết hợp với các màn trình diễn trong dự án.
Sinh năm 1969 tại Toulouse (Pháp) trong gia đình có bố là người Việt, mẹ người Pháp, Cyril Kongo (tên thật: Cyril Phan) bắt đầu sự nghiệp graffiti như một nghệ sĩ tự do từ năm 18 tuổi. Ông nhanh chóng gây tiếng vang trong thế giới nghệ thuật đường phố với kỹ thuật vẽ, hình thức thể hiện và tính nhân văn trong mỗi tác phẩm. Các tác phẩm của Kongo từng được tôn vinh tại nhiều nơi trên thế giới: bảo tàng Grand Palais, Grande Arche la Defensecho, những phòng trưng bày nổi tiếng tại Tokyo, Hong Kong, Singapore, Amsterdam, New York...