Chủ nhật, 12/1/2025
Thứ bảy, 5/9/2020, 11:05 (GMT+7)

Tranh tỷ đồng của Kongo trưng bày ở Hà Nội

Nghệ sĩ Pháp gốc Việt Cyril Kongo đưa các tác phẩm kinh điển của ông về Việt Nam, trong đó có bức hơn hai tỷ đồng.

Phòng tranh đầu tiên trong sự nghiệp của huyền thoại graffiti - Cyril Kongo - nằm ở góc phố Tràng Tiền của Hà Nội, mở cửa ngày 3/9. Nơi này trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu trong sự nghiệp của nghệ sĩ. Sống và làm việc ở Pháp, từng thực hiện nhiều triển lãm nổi tiếng, song Kongo chưa có một phòng tranh của riêng mình. Ông chọn quê hương là nơi đầu tiên đặt các tác phẩm với mong muốn thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà. Dự án đã ấp ủ từ lâu, song nhiều lần bị trì hoãn bởi dịch. Nghệ sĩ cũng không thể về nước dù đã lên kế hoạch.

Phòng tranh ở Hà Nội của Cyril Kongo
 
 

Một góc phòng tranh ở Hà Nội cúa nghệ sĩ Kongo. Video: Ý Ly.

Trong số các tác phẩm trưng bày, bức tranh lớn nhất được đặt ngay tại vị trí đầu tiên. Tác phẩm, được phòng tranh định giá hơn hai tỷ đồng, thể hiện sự tri ân của Kongo với những người bạn, cộng sự cùng ông tạo nên các tác phẩm gây tiếng vang nhiều năm qua. Tranh còn là kỷ niệm của Kongo, thể hiện quãng thời gian ông thực hành graffiti trên khắp ngóc ngách đường phố của Paris. Họa sĩ xem đây là trường học lớn nhất đời mình. Những bức tường ngoại ô thành phố đã dạy ông có được những kinh nghiệm để tạo nên các tác phẩm về sau.

Một số tác phẩm gắn với nhà mốt Chanel được Kongo lựa chọn trưng bày, trong đó có bức "Coco" nhằm tôn vinh những di sản thời trang mà huyền thoại Coco Chanel đã để lại.

Tác phẩm "17 bis" lấy tên từ chính địa chỉ nhà của Karl Lagerfeld ở Quai Voltaire, Paris, đánh dấu cuộc gặp gỡ định mệnh của Kongo và huyền thoại thiết kế năm 2018. Khi ấy, cố giám đốc sáng tạo của Chanel muốn tìm một nghệ sĩ đương đại hàng đầu của Pháp để tạo ra các bức tranh trong studio của ông. Trong nhiều cái tên được gợi ý, Karl chọn Cyril Kongo. Tác phẩm của Kongo lập tức mê hoặc Karl. Nhà thiết kế đã mua lại hầu hết các tác phẩm của Kongo để đưa vào bộ sưu tập nghệ thuật Chanel Métiers d’Art 2018 ra mắt tại Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York.

Buổi gặp mặt ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của họa sĩ, mở ra toàn bộ hướng đi và sự nghiệp sau này của ông. Kongo sử dụng màu nóng gồm cam, đỏ tượng trưng cho đam mê của tâm hồn của ông và Karl chạm vào nhau. Dòng chữ 17 bis đặt tại trung tâm của bức ảnh với ngụ ý đây là nơi vô cùng quan trọng, truyền cảm hứng cho Kongo để ông hoàn thành 20 tác phẩm chỉ trong vòng hai tuần. Các nét chữ màu đen tạo thành tên Paris - điểm hẹn của rất nhiều vĩ nhân thế giới, để lại dấu ấn trong ngành nghệ thuật.

Ngoài "17 bis", bức "Paris Messi" cũng được vẽ tại nhà riêng của Karl, tái hiện bối cảnh Paris hỗn loạn. Khi đang ngồi vẽ trong căn hộ, Kongo nhìn xuống đường và bất chợt thấy "cuộc biểu tình áo vàng". Hình ảnh đám đông đập phá được tái hiện trên những đường nét ngệch ngoạc chồng chéo lên nhau, một số đoạn mang như ném màu vào tranh, tạo cảm giác về sự chao đảo, phá phách.

"Jet Setteur" thể hiện kỹ thuật kết hợp các con chữ, mang ý nghĩa về sự tự chủ của mỗi cá nhân trong xã hội. Bức tranh còn mang tên của nhiều địa danh, thể hiện hành trình khám phá bản thân của Kongo. Nhiều gam màu được sử dụng để thể hiện sự đa dạng về văn hóa của từng vùng đất. Tất cả nổi lên trên nền trắng - màu sắc tượng trưng cho tâm hồn của nghệ sĩ.

Tác phẩm thể hiện kỹ thuật tráng men sứ thuộc bộ sưu tập "Thuật giả kim", thể hiện sự biến đổi trong con người của Kongo khi ông được tiếp xúc với kỹ thuật mới. Họa tiết đan xen thể hiện hình tượng núi lửa phun trào, tượng trưng cho sự phá vỡ những giới hạn của bản thân, sẵn sàng xóa đi những cái cũ nhường chỗ cho những tư duy mới.

Ngoài tranh là một số tác phẩm khác của Kongo, trong đó có tác phẩm bình sơn nằm trong dự án hợp tác của Kongo với hãng chế tác pha lê lâu đời hàng đầu của Pháp - Daum. Chỉ có 50 chiếc trên toàn thế giới, bình sơn dùng để vẽ của Kongo làm bằng pha lê, núm xịt 18 carat in dấu vân tay của ông. Điểm đặc biệt của chiếc bình nằm ở kỹ thuật chế tác pha lê kinh điển và độc quyền của Daum, tạo ra khối pha lê trong mờ. Kỹ thuật nung sáp chảy cho phép tạo ra các hoa văn uốn lượn. Xuất hiện từ năm 5000 trước công nguyên, đến năm 1968, Daum là hãng đầu tiên phục dựng kỹ thuật này và đưa vào ứng dụng.

Tác phẩm bảng chỉ đường ở ga điện ngầm của Paris với kỹ thuật tráng men sứ, vẽ graffiti.

Sinh năm 1969 tại Toulouse (Pháp) trong gia đình có bố là người Việt, mẹ người Pháp, Kongo sống những năm tuổi thơ ở Sài Gòn. Sau năm 1975, ông cùng mẹ chuyển đến thành phố Brazzaville (Congo). Hai năm ngắn ngủi tại đất nước châu Phi là cơ duyên đưa ông đến với nghệ thuật đường phố graffiti, nghệ danh Kongo cũng ra đời từ đây.

Năm 18 tuổi, sau khi bỏ học giữa chừng, Cyril bắt đầu sự nghiệp graffiti như một nghệ sĩ tự do và nhanh chóng vươn tới đỉnh cao trong thế giới nghệ thuật đường phố chỉ trong vòng một thập kỷ. Sự thuần thục những quy tắc hội họa và không ngừng khám phá giới hạn của bản thân giúp Kongo được mệnh danh là huyền thoại sống của giới graffiti đương đại. Năm 2017, Cyril đưa vợ con về thăm Việt Nam sau hơn 40 năm xa cách. Khi trở lại Pháp, ông mang theo áo dài Huế.

Hồi tháng 5, Cyril Kongo vẽ và đấu giá các tác phẩm graffiti ở Lariboisière - một trong những bệnh viện tại Paris bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch, để bày tỏ biết ơn những người ở tuyến đầu. Theo Prestige, các tác phẩm được chuyên gia tại Pháp định giá khoảng 15.000 Euro/m2. (gần 412 triệu/m2)

Cyril Kongo ra mắt sách
 
 

Cyril Kongo ra mắt sách về các tác phẩm của ông hôm 19/5. Video: Instagram Cyril Kongo.

Bài, ảnh: Ý Ly