Sáng mùa đông, Thanh Tú diện bộ váy xanh thẫm, quàng khăn lụa màu vàng và trang điểm nhẹ, tự di chuyển đến điểm hẹn bằng chiếc xe cub. Gần đây, bà cho biết nhận nhiều lẵng hoa, tin nhắn chúc mừng của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp vì được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, sau hơn 30 năm từ khi nhận Nghệ sĩ Ưu tú.
Năm ngoái, bà đồng ý làm hồ sơ sau khi được nghệ sĩ Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội và Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thuyết phục. Trước đó, Thanh Tú chạnh lòng, nghĩ rằng nếu những nghệ sĩ vẫn làm nghệ thuật, có sự lan tỏa đến công chúng, đã chứng minh năng lực bằng những giải thưởng, không cần tự làm hồ sơ đề nghị xét tặng. Thế nhưng chứng kiến mọi người đón nhận dấu mốc mới, bà dần lấy lại niềm vui. Bà hiểu danh hiệu không của riêng bản thân mà dành cho gia đình, khán giả. Thanh Tú nói sẽ trở lại truyền hình với hai dự án phim, để ''phục vụ nhân dân".
Dịp này, Thanh Tú ôn lại thuở mới vào nghề, từng đối diện sự cấm cản của gia đình. Bà sinh ra trong gia đình trí thức gồm tám người con, bố là nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng. Năm chín tuổi, bà nằm trong số những người con của cán bộ được Nhà nước cử sang Trung Quốc học. Vì thích múa hát, Thanh Tú đăng ký vào ban văn nghệ của trường. Năm 1958, Thanh Tú về nước, tiếp tục theo học hệ phổ thông, sau đó thi đỗ đại học Kiến trúc Hà Nội. Nhưng nhờ nhan sắc nổi bật, bà nhận được nhiều lời mời đầu quân cho đoàn kịch thủ đô. Số phận đưa đẩy khiến bà quyết định bỏ học kiến trúc, theo nghiệp nghệ sĩ.
Lựa chọn của Thanh Tú bị gia đình phản đối kịch liệt, cho rằng đây là nghề "xướng ca vô loài". "Bố mẹ từ tôi, nói dòng họ mình không có người như thế", bà kể. Thanh Tú xách vali, cầm theo vài nghìn đồng mẹ cho rồi đến ở khu tập thể của đoàn kịch. Có một hôm em bà đến thăm, gửi lời nhắn của mẹ: "Mợ bảo chị bạc lắm". Kể đến đây, giọng bà nghẹn lại, khẽ lau nước mắt và nói thương mẹ.
Cũng từ đó, bà tự nhủ phải nỗ lực để bố mẹ được "nở mày nở mặt". Tháng 4/1963, sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, Thanh Tú công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Khi đơn vị dựng vở Những người xung kích của tác giả Xuân Trình, bà được giao vai chính. Bà nói hồi đó chưa biết diễn nhiều nên cố gắng tập luyện suốt ngày đêm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tháng 12/1964, vở kịch thành công, bà nhận huy chương vàng đầu tiên của sự nghiệp.
Trong số khán giả theo dõi vở có bố mẹ của Thanh Tú. Chứng kiến thành tựu của con, hai cụ không còn căng thẳng, đồng lòng công nhận con đã chọn đúng nghề. Sau này bố mẹ qua đời, mỗi lần có giải thưởng nghệ thuật, Thanh Tú đều đặt lên bàn thờ của họ.
Đời nghệ thuật của Thanh Tú có nhiều dấu son, nhưng rực rỡ nhất là vai chị Nhu trong phim Sao tháng Tám (1976), do Nghệ sĩ Nhân dân Trần Đắc đạo diễn. Bà được đạo diễn Trần Đắc "chấm" khi đang thử vai chị Dậu cho phim cùng tên của Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa. Khi ấy, nhiều người hoài nghi Thanh Tú không thể đóng vai nông dân hay cán bộ cách mạng. "Họ bảo cô này trông như tiểu thư Hàng Đào, lúc nào cũng mặc quần loe, đi xe máy", bà nhớ lại. Thế nhưng gạt bỏ mọi phản đối, đạo diễn Trần Đắc vẫn giao vai cho Thanh Tú. Cuối cùng, vai diễn mang lại cho bà giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ tư (1977), gắn liền tên tuổi của bà đến nay. Sau đó vì cái bóng của Sao tháng Tám quá lớn, Thanh Tú chuyên tâm cho kịch và học thêm bằng đạo diễn sân khấu.
Nhắc về vai diễn xưa, bà mở điện thoại tìm ngắm những hình ảnh ngày son trẻ. Bà cho biết được thừa hưởng nhiều nét đẹp từ mẹ. Ở tuổi 79, mỗi ngày bà đều uống sữa ong chúa để khỏe và đẹp hơn. Trong tuần, cứ cách một ngày, Thanh Tú lại đi bơi. Bà bảo không bơi cả tuần vì sợ hỏng tóc. Nói đoạn, bà khoe mái tóc đen bóng, không sử dụng thuốc nhuộm.
Gần bước sang tuổi bát tuần nhưng nghệ sĩ không có bệnh, luôn thấy mình khỏe. Về tinh thần, bà sống vui vẻ, cho biết hướng Phật nên không tham, sân, si. Đối diện những chuyện không như ý, bà động viên bằng quy luật bù trừ, cho rằng cuộc đời không cho ai tất cả. Thanh Tú nói nếu ai sống bi quan, thích kể khổ, bà sẽ không chơi. Vì vậy bạn bè của nghệ sĩ đều có tính cách lạc quan giống bà.
Bạn thân trong làng nghệ thuật của Thanh Tú chỉ có Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Quý, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang, đều từng là những người đàn bà đẹp của điện ảnh Việt. Ở tuổi lão, họ chấp nhận quy luật thời gian trên gương mặt, bảo nhau không được can thiệp thẩm mỹ. Thanh Tú nói phải "nhăn một tý mới diễn được". Có thời gian rảnh, ba bà lại tụ họp cà phê, tâm sự chuyện đời. Dự án phim sắp tới của Thanh Tú cũng có Thanh Quý tham gia.
Trải qua cuộc tình không trọn vẹn với hai người đàn ông, Thanh Tú sống cùng con gái chung với người thứ hai - đạo diễn Lê Cường Việt - và cháu ngoại. Có giai đoạn, bà thấy cô đơn, thường trút nỗi lòng vào những vần thơ. Gần đây, bà làm nhiều thơ tình, thi thoảng viết những bài tặng cháu. Nhiều năm trước, Thanh Tú nói vẫn chờ một hiệp sĩ, nay ngọn lửa khát khao được yêu trong bà vẫn chưa vụt tắt, nói duyên đến đâu thì biết tới đó.
Thanh Tú ngẫm lại thấy mình không có hôn nhân hạnh phúc nhưng trời thương cho sự nghiệp, sức khỏe để tiếp tục làm nghề. Bà bảo cuộc đời không giàu nhưng chưa từng biết cái nghèo. Ngoài căn nhà đang sống tại Tây Hồ, bà cho thuê một căn ở phố Triệu Việt Vương, Hà Nội. Bà vẫn làm nghệ thuật, bởi ghét việc nghỉ ngơi quá lâu. Hiện Thanh Tú có nhiều dự định cho sân khấu. Năm 2022, nghệ sĩ một mình đóng bốn vai cho vở Giác, giành giải vàng Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm Hà Nội lần thứ năm.
Nỗi trăn trở lớn nhất của Thanh Tú là cuộc sống của hai con chưa ổn định. Con trai với người chồng thứ nhất - hiện 50 tuổi - sống ở Pháp, chưa có gia đình. Con gái bà đã 38 tuổi, gặp nhiều biến cố, lận đận trong đời. Bà thở dài khi nghĩ về tương lai, lúc tuổi cao, sức yếu, không thể che chở các con. Còn với bản thân, Thanh Tú đã thấy đủ.
Phương Linh