Bà qua đời lúc 9h37 ngày 31/1, tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 105 tuổi. Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà, con gái của bà, cho biết nghệ sĩ ốm mệt vài ngày trước khi ra đi nhẹ nhàng trong vòng tay con cháu. Những năm cuối đời, bà yếu sức nhưng tinh thần minh mẫn. Bước qua tuổi 100, bà vẫn dành thời gian luyện đàn mỗi ngày.
Nhiều học trò nhớ tới bà với hình ảnh một nghệ sĩ tài năng, người thầy tận tụy, góp phần đặt nền móng cho bộ môn piano ở Việt Nam.
Nghệ sĩ sinh năm 1918 trong gia đình trí thức giàu có ở TP HCM, bố là kỹ sư Thái Văn Lân, có quốc tịch Pháp. Bà Liên được học piano từ năm lên bốn, 16 tuổi, bà có buổi công diễn đầu tiên tại Tòa thị chính Sài Gòn. Bà tham gia cách mạng từ năm 1946, được giao nhiệm vụ liên lạc, chuyển tài liệu, sau khi anh trai là luật sư Thái Văn Lung hy sinh.
Một thời gian sau, bà sang Pháp, thi đỗ vào Nhạc viện Paris, tiếp tục hoạt động cách mạng. Thời gian này, bà được người quen giới thiệu, gặp và kết hôn với người chồng đầu tiên là ông Trần Ngọc Danh, nhà ngoại giao Việt tại Pháp.
Năm 1948, bà Thái Thị Liên theo chồng chuyển đến sống tại Praha (Tiệp Khắc cũ) và trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện danh tiếng Praha.
Năm 1952, từ Tiệp Khắc, bà theo chồng về Việt Bắc nhưng không bao lâu sau, chồng bà mắc bệnh lao rồi qua đời. Lúc đó, con gái lớn của bà - Thu Hà - mới ba tuổi, còn bà đang mang bầu con trai thứ hai - Thanh Bình. Về nước, bà tham gia Đoàn ca múa nhân dân trung ương rồi gặp ông Đặng Đình Hưng - lúc ấy là chính trị viên của đoàn. Hai người kết hôn, sinh con trai Đặng Thái Sơn năm 1958. Tên nghệ sĩ được ghép từ họ của bố mẹ - Đặng và Thái.
Thời gian ở Việt Bắc, bà chuyển soạn, thu thanh nhiều bài piano, trong đó có nhiều bản lấy cảm hứng dân gian, điển hình như làn điệu Trống cơm. Rời chiến khu, bà dấn thân vào nghề giáo, đặt nền móng cho môn nghệ thuật piano trong nước. Năm 1956, bà là một trong bảy thành viên sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, phụ trách bộ môn piano và biên soạn bộ giáo trình đầu tiên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - cho biết khi trường thành lập, tất cả đều là con số 0. Bà Thái Thị Liên đã biên soạn giáo trình bằng tâm huyết, tình yêu, sự đam mê và kiến thức của một người tốt nghiệp từ nước ngoài. Trong giáo trình, bà đưa 60% bài chuyển thể từ các làn điệu dân ca vào giảng dạy piano chuyên nghiệp. Ngoài ra, bà là một trong những người thành lập Hội nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam, năm 1957.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, một trong những học trò, luôn giữ mãi ký ức về năm tháng tuổi thơ được bà dạy dỗ từng ngón đàn ở căn phòng trên phố Tống Duy Tân, năm 1963. Bố của ông là nhạc sĩ Đỗ Nhuận chơi thân với gia đình bà Liên, gửi gắm con cho bà. "Bà đã đi qua hai thế kỷ, cống hiến miệt mài, đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ piano khắp cả nước. Vẫn biết ngày này rồi sẽ tới nhưng sự ra đi của bà vẫn khiến những thế hệ học trò chúng tôi sửng sốt, đau buồn", ông Đỗ Hồng Quân nói.
Một trong những thành tựu của cuộc đời bà là nuôi dạy các con, trong đó có nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, thành tài.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc theo học nghệ sĩ Thái Thị Liên những năm 1960, khi Trường Âm nhạc Việt Nam đi sơ tán ở Bắc Giang. Trong ký ức của ông, vào thời kỳ khó khăn của đất nước, cô giáo ăn mặc giản dị nhưng cách đi đứng, trò chuyện toát phong thái trang nhã của tiểu thư con nhà trí thức. Hồi ấy, tài sản lớn nhất của gia đình bà là chiếc xe đạp cũ để vừa chở đồ, đèo con đi học. Sau này, khi về Hà Nội, cuộc sống của gia đình bà Liên gặp nhiều khó khăn.
Một lần, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sang nhà trả bài cho cô giáo, thấy gia đình bà nuôi được một con gà mái ở ban công. Đặng Thái Sơn khi ấy khoảng 13, 14 tuổi, người gầy gò, liều lĩnh trèo ra ban công rộng khoảng 60 cm, lấy một quả trứng duy nhất vào nấu cơm. Khi bà Thái Thị Liên chia tay nhà thơ Đặng Đình Hưng, hai người không có đồ đạc gì quý giá, chia nhau từng chiếc nồi, xoong, phích nước.
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn từng cho biết suốt tuổi thơ, mẹ là người gồng gánh gia đình. Bố ông lúc ấy nằm trong số văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc những năm 1955-1958 nên bị mất việc, từng phải đi chăn bò ở nông trường, không được xuất bản các tác phẩm thơ.
Chỉ bằng nghề dạy học, bà nuôi chồng, hai con riêng của bà, một con riêng của ông và con chung của hai người. Căn nhà nhỏ trên phố Tống Duy Tân của gia đình có hai phòng. Bà và con trai út Đặng Thái Sơn thường ở phòng lớn 22 mét vuông, nơi bà dạy con những nốt nhạc đầu tiên. Thời cả gia đình sơ tán ở Xuân Phú, Yên Dũng, Bắc Giang, trong những đêm đông lạnh lẽo, giai điệu Chopin trên phím đàn của mẹ khơi dậy tình yêu âm nhạc trong Đặng Thái Sơn. Bà dạy đàn cho con suốt 11 năm, truyền cho con tinh thần kỷ luật, sự nghiêm túc với nghề.
Đặng Thái Sơn từng rất sợ khi nghe mẹ dạy học tại nhà bởi bà nổi tiếng nghiêm khắc. Ông luôn phải làm bài tập đầy đủ. "Mẹ sợ con cái, học trò kiêu căng nên hiếm khi mẹ khen lắm, toàn bóng gió đâu đâu để mình có động lực vươn lên", danh cầm nói. Hiện tại, đã là nghệ sĩ thành danh, là thầy của nhiều thế hệ học sinh, Đặng Thái Sơn vẫn làm theo một số nguyên tắc của mẹ như: Đúng giờ, kỷ luật và trung thành với nghệ thuật.
Năm 2021, khi về nước ra mắt sách của bố, Đặng Thái Sơn nói về biến cố lớn trong đời bà Liên là khi ly hôn ông Đặng Đình Hưng năm 1976. Khi ấy, cả hai đều suy sụp, mất phương hướng. Thiếu bàn tay phụ nữ chăm sóc, bố ông "như người vô gia cư". Còn mẹ ông, vốn chỉ biết đến âm nhạc và không giỏi ứng xử, giao tiếp xã hội, mất đi người tham mưu cho bà mọi vấn đề cuộc sống. Năm 1980, giải Chopin của Đặng Thái Sơn cứu cả nhà. Mẹ ông khi ấy chật vật sống ở miền Nam, phải ở nhờ nhà bạn, dựa vào đồng lương hợp đồng ít ỏi. Sau khi con đoạt giải, bà Liên được sang Nga sống cùng con.
Thành thạo tiếng Anh, Pháp nên suốt mấy chục năm, bà giúp con giao dịch hành chính, giấy tờ, liên lạc với ban tổ chức. Cả hai sống ở Nga rồi sang Nhật, Canada. Năm 2013, khi sức khỏe đã yếu, bà mới về Hà Nội.
Con gái bà là Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà, nguyên giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Đặng Hồng Quang, con riêng của ông Đặng Đình Hưng - cũng được bà bảo ban, sau này từng là Chủ nhiệm khoa Piano tại Nhạc viện TP HCM.
"Trải qua một cuộc đời đầy vinh quang lẫn cay đắng, mẹ luôn hết mình với nghệ thuật, gia đình và các thế hệ học trò", Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà nói.
Hà Thu