Tọa đàm ra mắt sách, tranh của cố nghệ sĩ Đặng Đình Hưng - bố danh cầm Đặng Thái Sơn - bắt đầu lúc 18h ngày 20/1 nhưng từ vài giờ trước đó, nhiều khán giả, nhà nghiên cứu văn hóa đã có mặt. Khi Đặng Thái Sơn xuất hiện, hội trường vài trăm chỗ ngồi của Viện Pháp Hà Nội chật kín. Nhiều người đứng vài tiếng đồng hồ để nghe ông kể chuyện, chơi đàn. Đặng Thái Sơn xuất hiện giản dị trong bộ quần áo tối màu, chuyện trò về ấu thơ và người cha đã khuất.
Là con trai út trong gia đình có năm con gồm cả con chung, con riêng của bố mẹ, Đặng Thái Sơn thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ mẹ là giáo viên dạy đàn, bố là nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ. Ấy thế mà hồi nhỏ, bố mẹ từng quyết định không cho ông học đàn vì nhà đã quá ồn ào. Khi nhìn thấy Đặng Thái Sơn mân mê cây dương cầm, họ thay đổi quyết định. Họ "đè ngửa" ông ra để "xem lỗ tai có nghe được nhạc hay không". Sau đó, ông được bố dạy nhạc lý, mẹ cầm tay đặt lên những phím đàn.
Đầu những năm 1970 là khoảng thời gian ông gần gũi bố nhiều nhất, sau khi sơ tán về Hà Nội. Căn nhà nhỏ trên phố Tống Duy Tân của gia đình ông có hai phòng. Ông và mẹ ở phòng lớn 22 mét vuông. Trong căn phòng nhỏ bốn mét vuông, bố ông và những người bạn như nhà văn Trần Dần, nhạc sĩ Văn Cao... thường tụ tập, ngâm thơ, hàn huyên chuyện đời, chuyện văn. Thỉnh thoảng, họ giận dỗi nhau vì bất đồng quan điểm văn học, mấy tuần liền không gặp mặt.
Bố không trực tiếp dạy Đặng Thái Sơn đàn nhưng tác động đến quan điểm nghệ thuật, lối sống của ông. Trong thời kỳ thiếu niên, ông Đặng Đình Hưng uốn nắn con trai cách đi đứng, nói năng và truyền cho con lòng kiêu hãnh, tình yêu nghề. "Trong cuộc sống hay nghệ thuật, ông dạy tôi luôn chân thật, không được quỵ luỵ, phải giữ lòng kiêu hãnh của mình. Tôi nghĩ sự kiêu hãnh đó đã giúp tôi chiến thắng cuộc thi piano quốc tế Chopin năm 1980, khi đơn thương độc mã chiến đấu ở Ba Lan", Đặng Thái Sơn nói.
Ngày Đặng Thái Sơn đi thi, bố nhập viện vì bệnh lao. "Ông không được cấp cứu vì gia đình không có tiền, lại nằm ngoài danh sách ưu tiên. Sau khi tôi đoạt giải, ông được sắp xếp bác sĩ tốt nhất chữa chạy, nhờ đó sống thêm 10 năm. Tôi sau đó được cử đi Nga học, đề nghị có mẹ đi cùng. Lúc đó, bố mẹ tôi đã chia tay. Cuộc sống của mẹ ở miền Nam cũng khá chật vật. Giải thưởng của tôi đã cứu cả gia đình", Đặng Thái Sơn hồi tưởng.
Ông cũng nhớ lại biến cố gia đình khi bố mẹ chia tay từ giữa những năm 1970. Sau đó, cả hai đều suy sụp, mất phương hướng. Thiếu bàn tay phụ nữ chăm sóc, bố ông "như người vô gia cư". Ông nói hai cụ thân sinh khác biệt tính cách, bố ông thích những giá trị văn hóa truyền thống trong khi mẹ ông ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây. Hai người được kết nối ở quan điểm nghệ thuật.
Sau phần chia sẻ, Đặng Thái Sơn cùng nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc song tấu piano do Đặng Hữu Phúc cảm tác từ thơ Đặng Đình Hưng. Khán phòng vài trăm người nín lặng khi danh cầm trình diễn. Trong không gian yên ắng, tiếng piano ban đầu gợi sự cô đơn, sau đó dồn dập tựa như muốn bứt phá. Đó cũng là những nhận định của các diễn giả trong tọa đàm về thơ Đặng Đình Hưng - một tiếng lòng đơn côi giữa cuộc đời.
Sau phần song tấu, ông chơi bản Adagio của Johann Sebastian Bach. Danh cầm đề nghị khán giả không vỗ tay khi ông kết thúc và đứng lên, dành một phút mặc niệm cho bố ông. Ông nói bản nhạc của Bach cảm xúc, sâu thẳm tựa như tâm hồn, thi ca của Đặng Đình Hưng.
Kết thúc sự kiện, danh cầm dành nhiều thời gian trò chuyện, ký tặng người hâm mộ. Ông xúc động khi gặp lại nhiều người quen cũ của gia đình. Con trai cố nhà văn Trần Dần cho ông xem bức ảnh nhóm những văn nhân thân thiết một thời, trong đó có ông Đặng Đình Hưng. Một nhóm người quen từ Yên Dũng, Bắc Giang - nơi Đặng Thái Sơn và gia đình từng sơ tán - đến gặp lại ông. Những bạn học cũ ở Hà Nội, ở Nga lần lượt đến ôn kỷ niệm, chụp ảnh cùng danh cầm. Đặng Thái Sơn ký tặng từng người, gặp ai ông cũng "tay bắt mặt mừng". Ở tuổi gần 70, ông vẫn nhớ như in những cố nhân một thưở, dù có người vài chục năm mới gặp lại. Sau hơn một tiếng giao lưu, ông xin phép rời đi trong sự luyến tiếc của nhiều người hâm mộ.
Hà Thu