Suốt ba tháng qua, mỗi sáng sớm, nghệ sĩ Nhật Linh - Nhà hát Cải lương Hà Nội - dắt xe máy ra đường, mở app điện thoại để chạy xe ôm công nghệ. Hôm nào đắt khách, chăm chỉ từ sáng đến tối, anh kiếm được 200 nghìn đồng, chưa trừ phí. Nhật Linh là kép chính của nhà hát, chuyên diễn vai vua, hoàng tử. Mọi năm, vào các mùa lễ hội, đi diễn nhiều, thu nhập của anh khoảng 6-7 triệu đồng một tháng. Dịch bệnh khiến công việc ngưng trệ, thu nhập giảm sút. Tiền lương cơ bản 4,6 triệu không đủ để hai vợ chồng và con gái trang trải cuộc sống. Trước dịch, anh vẫn tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm nhưng giờ trở thành công việc chính.
Nhật Linh nói: "Tôi gắn bó vì yêu nghề chứ để sống bằng đồng lương nhà hát rất vất vả. Thời dịch, khó khăn lại thêm chồng chất. Không chỉ tôi mà nhiều nghệ sĩ giờ chuyển sang nghề chạy xe ôm. Cứ không đi diễn là xách xe ra kiếm tiền. Hoàn cảnh chung rồi, phải làm để có ăn thôi".
Sân khấu đóng cửa, chị Thu Hường - diễn viên Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội - nhận mức lương cơ bản hơn hai triệu đồng mỗi tháng. Gia đình có con nhỏ, chị tìm mọi cách vun vén thu chi. Chị nhờ bố mẹ gửi gạo, thực phẩm từ quê lên. Tranh thủ lúc nhờ được người trông con, chị nhận việc làm móng, chăm sóc da mặt... để có thêm thu nhập.
Thu Hường tốt nghiệp Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam sau 5 năm học. Trước khi sinh, chị diễn nhiều tiết mục từ nhào lộn trên không đến ảo thuật, xiếc thú... Nhờ chăm chỉ, thu nhập của chị có tháng lên tới tám triệu đồng. Tuy nhiên, chị phải đánh đổi bằng sức khỏe. Thu Hường hiện mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đau nhức xương khớp. Trong quá trình mang thai, sinh con, chị chịu nhiều ảnh hưởng, đi lại khó khăn, không thể làm công việc nặng. "Tuổi nghề của nghệ sĩ xiếc rất ngắn. Hơn nữa diễn viên nữ sau sinh không thể thực hiện được nhiều động tác. Tôi thực sự trăn trở về tương lai công việc của mình", chị nói.
Là mẹ đơn thân, đang nuôi hai con nhỏ, chị Mai Anh - nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long - cũng chạy vạy đủ nghề, từ tổ chức show nhạc nhỏ, biên tập chương trình để có thêm tiền. Chị cho biết hàng năm, vào mùa du lịch, thu nhập của chị khoảng 15 - 18 triệu đồng, những tháng khác khoảng 12 triệu đồng, gồm năm triệu đồng lương cứng, 150.000 đồng một buổi diễn ngày thường và 300.000 đồng nếu diễn vào cuối tuần. Hiện tại, nhà hát không đủ khả năng chi trả lương cho cán bộ nhân viên thuộc biên chế, chị hưởng lương theo chế độ 3,7 triệu đồng.
Theo chị Đặng Tố Như - phó giám đốc điều hành Nhà hát Múa rối Thăng Long, ngừng biểu diễn là khó khăn chung của các sân khấu hiện nay. Với Nhà hát Múa rối Thăng Long, đối tượng khán giả chủ yếu là người nước ngoài, tìm hiểu về loại hình văn hóa dân gian. Từ tháng 3/2020, các đường bay quốc tế đóng cửa, nhà hát gần như ngưng biểu diễn. Khi dịch lắng xuống, nhà hát từng diễn miễn phí theo chỉ đạo của Sở Văn hóa Hà Nội ở phố đi bộ, tổ chức một số buổi diễn vào tối thứ 7 hàng tuần. Rạp hát 300 người chỉ có khoảng 20 khách đến xem, bán vé khoảng 100 đến 200 nghìn đồng, dẫn tới thua lỗ.
Từ đầu năm đến nay, do dịch, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội chưa một lần sáng đèn. Ông Phạm Bá Chỉnh - Giám đốc Nhà hát Cải lương - cho biết trong năm 2020, không tính các đêm diễn miễn phí, phục vụ chính trị, nhà hát chỉ có khoảng 20 đêm diễn ký hợp đồng.
Cơ chế tính lương trong bối cảnh dịch cũng gây nhiều ảnh hưởng. Nghệ sĩ Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - cho biết hiện các nhà hát không được dùng khoản chi thường xuyên (từ ngân sách nhà nước) để trả lương cho các nghệ sĩ có hợp đồng ngắn hạn, phải dùng nguồn thu từ bên ngoài. Tuy nhiên, do không thể biểu diễn thường xuyên, họ không có nguồn thu. "Hiện biên chế dành cho các nghệ sĩ trẻ không có, buộc nhà hát phải ký hợp đồng ngắn hạn. Hai tháng đầu năm đơn vị chỉ trả được lương trong biên chế, còn lương hợp đồng thì không có", anh nói.
Ông Thế Anh - Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội - cho biết đơn vị có khoảng 30 nhân sự biên chế, tuy nhiên, một nửa đã lớn tuổi, không thể biểu diễn các tiết mục mạo hiểm như đu dây, nhào lộn. "Tuổi nghề của diễn viên xiếc chỉ khoảng 30 ở nữ, 35 ở nam. Nghệ sĩ nữ sau khi sinh nở cũng không thể thực hiện nhiều môn như uốn dẻo, lắc vòng. Vì vậy, nhân sự chủ lực lại là các nghệ sĩ ký hợp đồng ngắn hạn, khoảng 15 người. Họ hưởng mức lương cứng khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng. Chúng tôi hiện cố gắng duy trì chi trả khoản này", ông Thế Anh nói.
Chị Đặng Tố Như cho biết các nhân viên hợp đồng ngắn hạn của nhà hát hiện nghỉ việc vì không có lương. Nghệ sĩ Thu Huyền - Phó giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Chèo Hà Nội - vẫn cố gắng trả lương cho các nghệ sĩ hợp đồng mức cơ bản từ 2 - 4 triệu đồng.
"Quy chế trả lương cho hợp đồng ngắn hạn mới thực hiện có hai tháng thôi, chúng tôi vẫn động viên anh em nghệ sĩ cố gắng rồi lấy chỗ này, vay chỗ kia để trả cho họ mức cơ bản. Nếu tình hình kéo dài, khó giữ được các nghệ sĩ trẻ, tài năng ở lại", chị nói.
Hiểu Nhân - Hà Thu