Sáng 16/5, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo chủ đề "Mối quan hệ giữa tác giả sân khấu với các nhà hát". Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội - Trần Trí Trắc - nhận định: "Hiện nay, các nhà hát ở Hà Nội không có phong cách riêng. Tất cả giống nhau theo khuôn, phục vụ chính trị một cách máy móc. Kịch bản đoạt giải tại các hội diễn, liên hoan sân khấu phần lớn bị đưa vào kho, không có đơn vị nào sử dụng".
Tác giả Nguyễn Hiếu - Thành viên Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội - chia sẻ: "Qua theo dõi hoạt động của một số nhà hát, tôi thấy có đơn vị không coi trọng kịch bản tác giả gửi tới. Nhận kịch bản, những người có trách nhiệm không hề đọc, hoặc đọc không trả lời, hoặc trả lời một cách qua loa, cửa quyền, thiếu tôn trọng người viết. Điều này làm tổn hại quan hệ giữa lực lượng sáng tác với đơn vị sân khấu".
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Thanh Trầm, nhiều năm gần đây, các nhà hát thường đặt hàng kịch bản viết về danh nhân, nhân vật lịch sử của địa phương. Mảng đề tài này có thuận lợi nhưng gây khó khăn cho biên kịch. Ngoài những kịch bản chất lượng, một số sáng tác còn mang tính sáo rỗng và nặng hình thức. Nghệ sĩ Kim Xuyến cho biết phần nhiều các vở diễn hiện nay chỉ khái quát chung chung một vấn đề, khó đọng lại trong lòng khán giả. Đồng quan điểm, nhà viết kịch Ngọc Thụ chia sẻ: "Khán giả cần những tác phẩm gắn liền thực tiễn đời sống, chứ không phải những thứ cao xa. Hiện nay có nhiều vấn đề giáo dục, an ninh, xã hội nổi cộm... mà không ai viết".
Tại hội nghị, nhiều nghệ sĩ còn đề cập đến mức thu nhập của biên kịch. Nhà viết kịch Ngọc Thụ chia sẻ: "Kinh phí dành cho sáng tác quá bèo bọt. Tôi làm ba khóa trưởng ban sáng tác mà không có quỹ sáng tạo, quỹ khen thưởng. Một số cây bút trẻ ngại va chạm với các đạo diễn ở nhà hát. Họ cần nhuận bút sao cũng được, miễn là có tên trên bảng giới thiệu vở diễn".
Cuối tọa đàm, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật - nêu giải pháp về xây dựng mối quan hệ giữa tác giả kịch bản với các nhà hát, nhằm thúc đẩy sự phát triển của sân khấu thủ đô. Ông cho rằng cần nâng cao chuyên môn của đội ngũ tác giả, xây dựng mối quan hệ cung cầu giữa nhà hát với người sáng tác, đồng thời thay đổi cách nhìn, đánh giá giá trị của tác phẩm nghệ thuật, phù hợp thị hiếu đương đại.
Trọng Trường