Mai Anh - nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long - nằm trong số 99 nghệ sĩ thủ đô nhận trợ cấp đợt đầu tiên, thuộc gói giải ngân 26.000 tỷ của Chính phủ. Là mẹ đơn thân, đang nuôi hai con nhỏ, hai năm nay, cuộc sống chị thiếu trước hụt sau do sân khấu liên tục đóng cửa, không thể biểu diễn. Hồi đầu năm, chị mở gánh bán bánh giò, đồ ăn vặt ở vỉa hè, từ 6 rưỡi sáng đến tối, kiếm thêm tiền mua sữa, thức ăn cho con. Từ ngày Hà Nội bùng dịch, nguồn thu ít ỏi đó không còn. Cuộc sống của ba mẹ con dựa vào 3,7 triệu tiền lương cơ bản. Chị cho biết: "Hiện tại cả nước có rất nhiều hoàn cảnh chật vật nên khi nhận được trợ cấp, tôi thấy may mắn và trân quý vô cùng".
Đến nay, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long có 11 người được nhận tiền, Kịch Hà Nội 23 người, Chèo Hà Nội 21 người, Cải lương Hà Nội 27 người, Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội 12 người, Nhà hát Múa rối Thăng Long 5 người. Ông Thế Anh - Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội - cho biết 12 nghệ sĩ của nhà hát đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều tháng nay, sân khấu ngừng hoạt động, ngoài khoản lương cứng ít ỏi, họ không có thu nhập. Do đặc thù nghề nghiệp, nhiều người gặp vấn đề sức khỏe như đau nhức xương khớp, thoái hóa đốt sống cổ... phải dùng thuốc, chữa trị thường xuyên.
Tuy vậy, trong số những nghệ sĩ nhận trợ cấp, vẫn có những người chưa gặp khó. Ngọc Quỳnh - diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội - cho biết: "Nếu xét theo bậc lương, thu nhập của tôi ở nhà hát rất thấp. Tuy nhiên, tôi kinh doanh ngoài nên cuộc sống không đến nỗi nào. Tôi mong cơ chế cấp trên đưa ra linh hoạt hơn để giúp đúng người và tránh trường hợp bị mang tiếng 'không khó khăn nhưng vẫn tham nhận gói hỗ trợ'". Ngọc Quỳnh, Thanh Hương, Hồng Đăng... đều nói gửi lại khoản tiền cho nhà hát nơi họ công tác để san sẻ với các nhân viên hậu đài.
Các nhà hát mong muốn cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách để trợ giúp đúng người, đúng việc.
Nghệ sĩ Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - nhận định tiêu chí xét duyệt còn bất cập. Anh nói: "Theo tiêu chí, nghệ sĩ chức danh nghề nghiệp hạng tư - những người có bằng cao đẳng, trung cấp, bậc lương thấp - được xét duyệt hỗ trợ. Tuy nhiên, một số người cống hiến lâu năm, có tích lũy hoặc làm thêm nên đủ đầy kinh tế. Còn nghệ sĩ hạng ba - có bằng đại học, bậc lương cao hơn - nhưng mới ra trường hoặc ở quê ra lập nghiệp, thuê nhà, sống vất vả. Ngoài ra, một bộ phận nhân viên hậu đài, bảo vệ... thu nhập rất thấp. Nếu làm theo quy định, sẽ có trường hợp nhận tiền không đúng hoàn cảnh thực tế".
Đại diện Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Múa rối Thăng long, Cải lương Hà Nội, Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội... đều cho biết không được họp để có thể tham mưu, kiến nghị với Bộ về tiêu chí trao hỗ trợ. Một số nghệ sĩ cho rằng nên chuyển từ quy định chỉ hỗ trợ nghệ sĩ hạng tư sang áp dụng cho những người có mức lương dưới ba triệu đồng một tháng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể giao nhà hát tự đánh giá, lựa chọn danh sách nghệ sĩ đúng hoàn cảnh. Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - diễn viên Trung Hiếu - nói đã gửi đơn đề xuất Sở chú trọng tới các nhân viên hậu đài như thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang...
Trước đó, bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - cho biết sau khi nhận được Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch, Sở gửi công văn đến nhà hát, yêu cầu rà soát, lập danh sách theo đúng các tiêu chí. Khi nhận phản hồi, Sở tổng hợp, xem xét và báo cáo với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Cuối cùng, Sở Tài chính sẽ thẩm định và giải ngân. Bà nói: "Chúng tôi làm đúng quy định của cấp trên và danh sách do nhà hát gửi lên". Sở đã gửi văn bản kiến nghị Bộ ra chính sách hỗ trợ các nhân viên hậu đài, hiện chưa có phản hồi.
Sở cũng đang lên danh sách và xin ý kiến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trợ cấp dành cho nghệ sĩ, nhân viên các nhà hát trực thuộc Bộ đóng trên địa bàn thành phố, khoảng 302 người.
Ngày 1/7, Chính phủ ban hành 12 chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch với tổng số tiền 26.000 tỷ đồng. Các đối tượng được nhận tiền hỗ trợ gồm: lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; lao động ngừng việc và phải cách ly, trong khu vực phong tỏa; lao động bị chấm dứt hợp đồng; trẻ em là F0, F1; lao động tự do; phụ nữ mang thai; F1 phải cách ly; người điều trị Covid-19; đạo diễn, diễn viên, họa sĩ; hướng dẫn viên du lịch; hộ kinh doanh bị ngừng hoạt động trên 15 ngày.
Trong đó, đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng tư ở các đơn vị công lập được nhận một lần số tiền 3.710.000 đồng. Tiêu chí được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất với Chính phủ hồi tháng 6.
Hiểu Nhân