Khi lực lượng cảnh sát biển đảo Oahu, bang Hawaii (Mỹ) tới nơi, trên boong tàu cá khả nghi chỉ còn tấm lưới rê ướt nước, vài mẩu san hô, và số cá mới đánh bắt, không có gì có dấu hiệu khai thác trái phép.
Dù vậy, cảnh sát biển vẫn thấy có điều mờ ám, tiếp tục nghi tàu cá này đã giăng lưới rê thả trôi theo dòng chảy trên nền đáy trong thời gian dài. Đây là hành vi bị nghiêm cấm vì lưới rê có thể vướng vào và làm gãy mảng lớn của rặng san hô - vốn là sinh vật được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, nếu không có chứng cứ cho thấy tàu cá đã kéo gãy tảng san hô lớn, lực lượng chức năng không thể chứng minh vi phạm.
Sau khi tạm giữ tàu cá, cảnh sát biển gọi Dave Gulko - nhà sinh học biển và chuyên gia về san hô của bang Hawaii, tới trợ giúp.
Rà soát kỹ boong tàu, Gulko phát hiện những con tôm, cua có kích thước tí hon – hai loài vật chỉ sống sâu trong những khối san hô lớn. Từ đó, Gulko nhận định đây là chứng cứ chứng minh tàu cá đã lôi lên boong tảng san hô cỡ lớn. Kết hợp với tình tiết người của tàu cá vứt đồ xuống biển khi cảnh sát tới gần, cơ quan chức năng đã thành công buộc tội người vi phạm.
Đây là một trong những vụ án đầu tay của Gulko. Giờ nghĩ lại, Gulko thấy bản thân đã khá may mắn trong vụ án trên vì thời điểm đầu những năm 2000, lực lượng chấp pháp trên biển của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, thường thiếu nhân lực và không được đào tạo về điều tra pháp y nên việc truy cứu tội phạm biển khó thành công. Chính điều này đã thôi thúc Gulko thành lập đội điều tra hiện trường tội phạm dưới biển vào năm 2005.
Do trước đó chưa có quy chuẩn về điều tra pháp y dưới nước, Gulko phải làm việc cùng nhóm chuyên gia liên ngành để xây đựng mọi thứ từ chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ví dụ, việc khoanh vùng hiện trường trên cạn rất dễ dàng, nhưng điều này gần như không tưởng đối với rặng san hô dài nửa dặm. Để khắc phục, Gulko và đồng nghiệp nghĩ ra cách dùng phao tiêu đánh dấu phạm vi.
Điều tra viên trên cạn thường ghi chép bằng bút mực để đảm bảo không có chuyện tẩy xóa, nhưng bút mực và bút bi không thể viết dưới nước. Nhóm của Gulko nghĩ ra cách viết bằng bút chì dầu rồi lập tức chụp lại nội dung ghi chép. Như vậy, chứng cứ này sẽ không bị tranh cãi khi ra tòa. Việc chụp ảnh cũng là một vấn đề vì file ảnh điện tử có thể bị chỉnh sửa trên máy tính. Vì thế, Gulko đặt ra quy trình tải ảnh vào máy tính xách tay ngay sau khi lên thuyền và sao chép ảnh vào đĩa CD không thể ghi thêm dữ liệu.
Cứ như thế, bộ quy tắc điều tra hiện trường tội phạm dần thành hình. Tuy vậy, không phải ý tưởng nào của nhóm Gulko cũng thuận buồm xuôi gió. Ví dụ, để đánh đấu chứng cứ (như mảnh sơn tróc từ thân tàu, hoặc xác sinh vật bị bỏng do đánh bắt bằng thuốc tẩy), điều tra viên trên cạn có thể dùng mẩu giấy hoặc thẻ nhựa đánh số thứ tự. Nhưng ở biển, điều này là không thể do dòng chảy khiến mọi thứ không ngừng di chuyển.
Ban đầu, nhóm của Gulko nghĩ ra cách buộc vật chứng vào nút chai rượu vang rồi thả nổi để điều tra viên chụp lại vị trí tương đối. Gulko và đồng nghiệp tưởng rằng đây là kỹ thuật hoàn hảo cho tới khi chứng kiến nút chai bị đàn cá đớp tơi tả ngay lần đầu thực nghiệm. Sau hồi suy nghĩ, họ chọn phương pháp buộc chứng cứ vào phao tiêu có đánh số.
Trong quá trình soạn giáo án điều tra, Gulko chú trọng nội dung theo hướng các công cụ, nguyên liệu cần dùng có bán ở bất cứ nước nào vì nhiều nơi không có đủ ngân sách hoặc trình độ công nghệ. Ví dụ, chỉ với các sản phẩm có sẵn tại hiệu đồ cơ khí, Gulko có thể dạy cách lấy dấu vân tay trên sinh vật biển.
Kinh nghiệm này Gulko có được sau một lần tới công viên hải dương tại Mexico để tư vấn cách giúp chống nạn bắt trộm ốc xà cừ. Kẻ trộm thường trà trộn vào dòng du khách xuống nước, lén rút phần thịt của con ốc rồi nhét vào quần áo. Khi kẻ gian rời đi, dưới nước chỉ còn lại vỏ ốc trống rỗng.
Nhận định kẻ trộm đã để lại vân tay do tay không bắt ốc, Gulko đầu tiên ngâm vỏ ốc kỹ trong nước ngọt để loại bỏ nước muối. Sau đó, ông mua một số thứ như thùng rác kim loại, giấy bạc bọc thực phẩm, keo siêu dính, và mượn mỏ hàn từ cửa hàng sửa xe. Bằng cách đun nóng cho hơi keo bốc lên bám vào vỏ ốc, Gulko đã thu được dấu vân tay của kẻ trộm trong sự ngạc nhiên của mọi người.
Năm 2008, ông và đồng nghiệp hoàn thành cuốn sách dày 290 trang có tên "Bộ dụng cụ Điều tra hiện trường tội phạm Rặng san hô". Từ đó tới nay, Gulko bắt đầu mang kiến thức pháp y dưới nước đi đào tạo lực lượng chức năng của hơn 40 quốc gia.
Sau buổi đào tạo kiến thức, Gulko luôn tổ chức phiên tòa giả định để các điều tra viên tương lai có cơ hội rèn luyện. Gulko và đồng nghiệp thường rất nghiêm khắc, đôi khi còn cố ý chỉnh sửa vật chứng trong lúc học viên không chú ý để dạy họ thái độ cẩn thận. "Tôi đẩy độ khó lên mức không tưởng vì muốn học viên thất bại trong khóa đào tạo, để họ không vấp ngã trong thực tế", Gulko nói.
Quốc Đạt (Theo Atlas Obscura, The Los Angles Times)