Nhiều lúc tôi cũng nghĩ quẩn khi con cái thì la khóc mè nheo suốt ngày, môi trường bây giờ khiến trẻ hay ốm vặt, không như ngày xưa. Cha mẹ tôi thường nói ngày xưa nuôi con dễ dàng mà sao giờ khó quá. Ngày xưa phụ nữ an phận, ở nhà nội trợ, trông con. Ngày nay, phụ nữ muốn chỉ làm nội trợ thôi cũng khó, khi mà xã hội thay đổi, đàn ông làm kiếm tiền và phụ nữ cũng vậy. Phụ nữ giờ phải vừa kiếm tiền, vừa làm việc nhà, nội trợ, trông con. Khi sống ở thành phố, không ông bà đỡ đần, chỉ có hai vợ chồng và mọi việc nhà cửa, con cái đều do tôi đảm đương.
Tôi đi làm vất vả mấy cũng được, nhưng cứ ở nhà trông con rồi bếp núc, dọn dẹp lại đầu bù tóc rối và còn stress hơn khi đi làm. Tiền bạc tôi vẫn phải nghĩ cách kiếm chứ mở miệng hỏi chồng chỉ được vài lần, hỏi hoài cũng bị cằn nhằn. Nhiều lúc tôi thấy bất lực và tủi thân vô cùng. Khi mà bạn bè xung quanh bắt đầu gây dựng sự nghiệp thì tôi lại lủi thủi ở nhà, kiếm việc cũng phải nghĩ đến thời gian đưa đón con, con ốm không ai lo lại nghỉ giữa chừng nên không chỗ nào chấp nhận. Tự kinh doanh tôi chẳng có vốn. Nhiều lúc tôi thất thần, không có ai chia sẻ, bị bủa vây trong những suy nghĩ không lối thoát. Nhiều người có chồng tâm lý biết chia sẻ còn dễ vượt qua, chồng tôi rất vô cảm.
>> Nỗi khổ khi vợ là tiếp viên hàng không
Lúc nào tôi cũng cảm thấy lẻ loi, tủi thân, đôi lúc nghĩ đến chuyện đi thật xa nhưng nhìn con rồi lại thôi. Có những khi chồng chửi rủa, tôi chỉ biết khóc và bỏ qua để sống tiếp vì con. Tôi như con đại bàng mà phải sống trong chuồng gà, đóng vai con gà mái, cảm giác vô cùng bất lực. Nhiều khi tôi cáu gắt với con vì cảm thấy quá mệt mỏi, xong nhìn lại thấy có lỗi với nó rồi tự trách bản thân. Cứ như vậy, tinh thần tôi ngày càng suy nhược, cả về thể chất cũng thế, khi mọi việc đều phải gánh vác.
Nhiều lúc tự an ủi bản thân rằng đây là thời gian để mình chăm sóc gia đình, mặc kệ ai nói gì thì nói, cứ bỏ ngoài tai. Thời gian trôi qua, mọi việc vẫn chưa có gì tiến triển khi chồng cứ lo phần chồng, gia đình nội ngoại không quan tâm, mặc kệ tôi muốn ra sao thì ra. Khi bạn có tiền, có địa vị, mọi người đến với bạn bằng thái độ khác. Khi bạn bế tắc, chỉ có một mình, ai quan tâm cũng hỏi han một chút, rồi họ cũng đánh giá mình giống như người thất nghiệp, ăn bám gia đình vậy. Cái nghề gọi là nội trợ thật chua chát và nhiêu khê lắm, trong khi chị em phụ nữ làm vô số việc không tên, không tiền nhưng vẫn bị xã hội và chính những người thân của mình xem nhẹ. Chắc chỉ phụ nữ Việt Nam mới giàu sức chịu đựng đến thế. Còn tôi, không biết còn có thể chịu đựng như thế này đến khi nào.
Hường
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc