4h, người đàn ông quê An Phú, huyện Tịnh Biên, rời nhà, trên xe máy là bốn can nhựa loại 30 lít, hơn 10 chai nhỏ để chứa mật hoa. Đi khoảng 2 km, cánh đồng thốt nốt hiện ra, gốc to cỡ một người ôm, cao chót vót. Dừng xe ông Lộc đội đèn pin nhỏ lên đầu, thắt lưng treo lủng lẳng chùm chai nhựa tiến lại hàng thốt nốt.
Đôi tay rám nắng của người đàn ông U50 bám chắc vào thang tự chế (làm bằng cây tre già để nguyên mắt, cột chặt vào thân thốt nốt). Hai chân khoẻ khoắn, ông trèo thoăn thoắt lên cây. Trên ngọn cây cách mặt đất khoảng 20 m, ông chọn tàu lá vững chãi rồi tựa vào, bắt đầu thu mật.
Giữa những cây gần nhau, ông Lộc bắc cầu khỉ (một loại cầu phổ biến ở miền Tây) làm bằng thân tre, kèm tay vịn để di chuyển qua lại. Hoa thốt nốt trổ thành từng quài (chùm), 15-20 hoa, hình trụ, to cỡ cổ tay, dài chừng 30 cm. Mỗi quài, ông Lộc chọn 1-2 hoa, treo bình phía dưới để hứng nước có vị ngọt, hương thơm thoang thoảng, màu trắng sữa như nước cơm vo.
Ông Lộc thay bình đầy nước bằng một bình mới rồi chuyền các bình xuống đất. Xong việc, ông chọn một hoa mới trổ, dùng hai thanh tre kẹp nhẹ từ đầu đến cuối như động tác massage. Công đoạn nhằm kích thích hoa nhanh cho mật, thường sau 4-5 ngày sẽ có kết quả.
Tiếp đến, ông dùng dao gọt bỏ lớp ngoài cùng, cắt ở đầu hoa và phải thực hiện hai lần mỗi ngày, nếu không chúng sẽ liền sẹo và ngưng cho nước. Công đoạn cuối cùng là dùng bình hứng mật. Trung bình mỗi hoa cho ba lít nước một ngày và kéo dài 1-3 tháng, tuỳ độ tuổi cây.
Thốt nốt cho mật từ tháng 7 âm lịch đến tháng 5 năm sau. Nếu mưa nhiều cây có thể thu mật quanh năm. Vì chưa vào vụ, ông chỉ lấy được 4-5 can mật mỗi bữa. Với lượng nước thu về, vợ ông Lộc nấu được hơn 10 kg đường thốt nốt, giá bán giao động 20.000-26.000 đồng mỗi kg, thu nhập hơn 200.000 đồng mỗi ngày.
Sau Tết cây cho nước rộ, tăng gấp 6-7 lần. Với 60 cây thốt nốt do ông cha để lại, người đàn ông miền biên viễn thu được 800 lít mật, bỏ túi hai triệu đồng. Song cái nghề không sợ nắng gắt chỉ sợ gió lớn, mưa to nên nhiều hôm vợ chồng ông chẳng có đồng nào.
Khu vực ấp Phú Nhứt, xã An Phú, nơi ông Lộc hành nghề tập trung hàng trăm cây thốt nốt. Chúng được trồng trên đê ven ruộng lúa hoặc rẫy khoai mì. Ông Lê Thanh Bằng, sở hữu hơn 50 cây thốt nốt tại đây, cho biết tuy không đánh số hay làm dấu nhưng cây của người nào thì người đó leo không tranh chấp hay cự cãi.
Theo những người có thâm niên leo thốt nốt, dù không có tổ nghề nhưng ai theo nghề đều phải tâm linh một chút. Đầu năm họ thường bày mâm cúng tại khu đất hay hành nghề, dư dả cúng cặp vịt, eo hẹp cúng chè, trái cây và khấn vái ông Tà (một thần linh thuộc tín ngưỡng dân gian) phù hộ vững tay, mắt tinh tránh tai nạn.
Công việc tuy vất vả, nguy hiểm nhưng dân trong nghề cũng lắm niềm vui. Vào vụ thu hoạch rộ, anh em đu trên ngọn cây đến 10h đêm mới về. Họ đi làm có tụ, cả nhóm chuyện trò với nhau khi ở lưng chừng trời. Chuyện xóm, chuyện làng giúp họ xua đi nỗi nhọc nhằn và vắng vẻ của màn đêm. Khi trời về khuya, cả nhóm cùng về, ít lại ở lại một mình giữa đồng không mông quạnh.
Những dịp khách du lịch đông đúc, hướng dẫn viên đưa khách đến xem họ leo thốt nốt. Được dịp kể về cái nghề, thấy du khách mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên, họ lấy đó làm niềm vui. Khách về mua thêm keo đường vàng óng, dăm trái thốt nốt làm quà. Thị trường loại đặc sản miền biên viễn nhờ đó được mở rộng, kéo theo người leo thốt nốt thu nhập ổn định.
Thốt nốt là cây đơn tính, cây đực và cây cái riêng. Cả hai loại đều cho nước như nhau. Người chủ thường chừa hoa cái để bán trái vì khi lấy mật, hoa sẽ không cho trái. Trung bình 8 lít mật sẽ nấu được một kg đường thốt nốt. Một cây trưởng thành cho khoảng 100 kg đường mỗi năm. Cây mọc tự nhiên không cần chăm sóc hay tưới nước nên người leo thốt nốt chủ yếu lấy công làm lời.
Loài cây biểu trưng của miền biên viễn An Giang khi lớn vươn cao 30 m, tuổi thọ trên 100 năm. Cây chịu khô hạn, ngập nước, ưa nắng nhưng không chịu rét. Cây non ban đầu sinh trưởng chậm, về sau mọc nhanh hơn. Phải hơn 30 năm tuổi cây mới cho trái nên người địa phương thường ví là "cây ông trồng cháu hưởng".
Ngoài mật hoa, trái làm thực phẩm, thân cây có thể làm vật liệu xây nhà, thủ công mỹ nghệ, lá dùng làm chất đốt. Tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thống kê có gần 70.000 cây thốt nốt, mỗi năm thu hoạch khoảng 8.000 tấn đường.
Ngọc Tài