Chiều buông, trên khu đất rộng hơn 1.000 m2 ở cù lao Ông Chưởng, cạnh sông Hậu, 6 nhân công bện dây miệt mài làm việc. Tiếng máy bện kêu "o o" xen lẫn bước chân "thình thịch" của người chạy dây. Chị Lê nhanh tay chia mỗi chùm 4 sợi vào 15 kẽ lược rồi buộc dây vào dụng cụ gọi là chiếc cào. Khi gút xong sợi cuối cùng, chị cầm cào chạy "nước rút" đến các thanh cây (gọi là "ngựa") cao khoảng 2 m, dựng sẵn trên đường.
Người phụ nữ 40 tuổi luồn sợi qua các khe lược trên "ngựa" rồi kéo căng. Xong cả thảy 5 "ngựa" cho quãng đường 200 m, chị lặp lại các công đoạn khi chạy lượt về. Công việc này nhằm kéo các sợi dây được thẳng, tách nhau, hạn chế bị rối. Máy bện chỉ việc se các sợi dây lại.
Làng nghề bện dây keo trên cù lao Ông Chưởng tuổi đời gần trăm năm. Hạt nhựa sau khi nung chảy được lọc bỏ tạp chất, đổ ra khuôn thành từng sợi nhỏ, sau đó được quấn vào các ống loại 60, 120 sợi. Người bện nhận ống từ xưởng sản xuất và làm theo đặt hàng. Sợi thành phẩm được dùng làm dây neo ghe tàu, dây kéo lưới, dây cột động vật và làm các ngư cụ đánh bắt thuỷ, hải sản...
Với chị Lê và các đồng nghiệp, nghề chạy dây keo giống như "vận động viên điền kinh hạng mục chạy bền". Vừa hoàn thành đường chạy 400 m, chị quay sang cuộn dây thành phẩm vào bành mà không cần nghỉ ngơi. Chốc chốc chị ngước sang xem chồng - anh Mạc Văn Cẩn - đã bện xong chưa.
"Nghề này thường làm có đôi có cặp, chồng ở đâu vợ ở đó, đòi hỏi sự ăn ý, nhịp nhàng phối hợp, chẳng cần phân công nhiệm vụ. Hễ vợ chạy dây thì chồng bện và ngược lại", chị Lê tâm sự.
Trung bình mỗi ngày, vợ chồng chị Lê chạy 40-50 vòng, quãng đường tính ra khoảng 10 km. Đổi lại chiều muộn cả hai nhận tổng tiền công chừng 400.000 đồng. "Làm nhiều nên quen chân quen tay. Ai mới vào nghề làm ngày đầu là hôm sau tay chân nhấc không lên", anh Cẩn cười nói.
Cạnh máy bện của anh Cẩn, anh Hồ Thanh Sữa được nhiều người phong biệt danh "vua tốc độ" vì khi chạy dây ít ai theo kịp. Cầm chiếc cào trên tay, anh chạy thoăn thoắt, bước chân nhẹ và vững. Chị Phạm Thị Ngọc Mai - vợ anh Sữa - nói vui ai muốn giảm cân cứ làm nghề chạy dây. Chạy chừng 10 ngày, nửa tháng người mập bụng cỡ nào cũng tan hết mỡ.
Ngoài bền bỉ và dẻo dai, nghề bện dây keo đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên trì. Khi dây bị đứt hoặc rối, thợ phải sớm phát hiện và nhanh tay lấy thêm đoạn mới nối vào, nếu không cả đoạn sẽ rối, mất công lẫn tốn thời gian. Từ những sợi thô ban đầu, thợ phải bện thành cuộn dây tròn đều mới đạt yêu cầu chủ giao. Dây nhỏ nhất bện 4 sợi, lớn nhất bện 120 sợi. Mỗi dây dài từ 200 đến 400 m.
Ông Nguyễn Văn Nguyên (chủ cơ sở Hai Nguyên) kể quá trình dài phát triển, làng nghề trải qua bao thăng trầm, đổi thay. Vài chục năm trước, làng chưa có máy bện, thợ phải se dây bằng cách quay tay, công việc rất vất vả, nặng nhọc. Nguyên vật liệu mua ở Sài Gòn lúc có lúc không, thị trường bấp bênh, thu nhập thấp khiến nhiều người bỏ quê, đi Bình Dương làm công nhân.
Chừng 5 năm gần đây, nguồn nguyên liệu và thị trường dồi dào, làng nghề phục hồi lại. Chủ xưởng thuê nhiều nhân công bện dây, trả công mỗi ký dây từ 1.700 đồng đến 5.000 đồng tuỳ kích cỡ. Trung bình mỗi ngày cặp vợ chồng bện 80-150 kg dây, thu nhập 7-12 triệu đồng mỗi tháng. Hàng làm ra không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất đi Campuchia.
Theo các chủ cơ sở, sản phẩm dây keo hút hàng 6 tháng mùa mưa (tháng 6 đến 12), còn 6 tháng nắng bán chậm. Chủ cơ sở muốn giữ nhân công phải thuê làm quanh năm. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ hết được cất vào kho hoặc xả hàng giá rẻ để quay vòng vốn.
Ông Phạm Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông, cho biết với 5 xưởng sản xuất, làng nghề tạo việc cho hơn 1.000 nhân công. Mỗi năm, làng sản xuất 400-500 tấn, giúp người dân thu nhập ổn định. Đặc biệt, do ít bị Covid-19 ảnh hưởng, công việc chạy dây keo là cứu cánh thời dịch của dân địa phương.
Ngọc Tài