Chưa bao giờ câu hỏi này lại trở nên khó đến vậy đối với tôi trong những năm gần đây, khi mà câu trả lời không chỉ phụ thuộc vào năng lực, sở thích, sở trường, tính cách của con trẻ, mà đến từ cơ hội nghề nghiệp trong môi trường có nhiều biến động, dưới áp lực toàn cầu về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của các nền kinh tế và của các doanh nghiệp.
Thông tin không mấy tốt lành từ thị trường lao động trở nên rất dồn dập không chỉ sau dịch bệnh Covid với làn sóng sa thải công nghệ. Gần đây các tập đoàn vẫn tiếp tục sóng sa thải như một cuộc rượt đuổi mang tính chất domino.
Stellatis, công ty mẹ của hãng ôtô Chrysler, đã sa thải 2.450 lao động tại nhà máy lắp ráp xe tải Warren, con số chiếm 66% lượng lao động hiện tại của nhà máy, khi quyết định thay thế xe tải Ram cổ điển bằng xe điện. Tata Steel, một công ty con của Tập đoàn Tata, sa thải khoảng 2.500 công nhân tại các cơ sở ở Anh khi chuyển sang quy trình sản xuất thép xanh hơn. Số lượng sa thải lần này chiếm hơn 31% lực lượng lao động của họ. Và chỉ cách đây vài ngày Dell đã sa thải 10% lực lượng lao động, tương đương 12.500 người khi triển khai chiến lược AI mới vào các hoạt động của mình.
Biến động trên đến từ hệ quả của chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Xu hướng này không phải chỉ cục bộ trong ngắn hạn mà mang tính tất yếu có quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, hơn 85% trong số 500 công ty tăng trưởng nhanh nhất (FAST 500) đã cam kết hoặc lên kế hoạch tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), theo một cuộc khảo sát của Vietnam Report, được dự báo dẫn đến một quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số nhanh chóng và mạnh mẽ trong thời gian ngắn sắp tới. Cuộc khảo sát gần đây của PwC và Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho thấy 82% số lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi trong các ngành cho rằng hình ảnh và uy tín thương hiệu là lý do hàng đầu để họ theo đuổi mục tiêu thực hiện ESG, trong khi nâng cao năng lực cạnh tranh là lý do thứ hai được đề cập (68%). Các lý do khác bao gồm thực hiện ESG để đáp ứng các áp lực và yêu cầu ngày càng cao từ nhà đầu tư, cổ đông và chính phủ.
Doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi, trong khi lực lượng lao động chưa đáp ứng kịp.
Khó khăn cho doanh nghiệp càng lớn hơn khi rào cản thay đổi không phải chỉ ở vốn, mà là ở nhân lực, vì chuyển đổi đối với lực lượng lao động cần thời gian dài hơi, có khi phải chờ cả một thế hệ lao động mới. Thực tế, yêu cầu chuyển đổi đối với tính chất công việc đang diễn ra rộng khắp từ cấp lãnh đạo đến người lao động trong doanh nghiệp trên toàn cầu.
Trong một khảo sát của Viện thành viên Hội đồng quản trị Mỹ (NACD), 95% thành viên cho rằng việc áp dụng AI sẽ tác động đến doanh nghiệp của họ và do đó cần phải có các thành viên HĐQT am hiểu công nghệ để đóng góp cho chủ đề này trong các cuộc họp thuộc cấp HĐQT. Một khảo sát khác của Viện thành viên HĐQT Malaysia (ICDM) đối với lãnh đạo tại các doanh nghiệp các nước ASEAN, hơn 50% thành viên HĐQT cho rằng họ cần được đào tạo về biến đổi khí hậu, về các số liệu và các mục tiêu ESG.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp dữ liệu ESG vào các chiến lược của công ty. Để thực hiện được điều này, cấp điều hành cần có hiểu biết về cách thức triển khai và đồng thời quản trị rủi ro đến từ các yêu cầu ESG của các đối tác, và chuỗi cung ứng. Theo McKinsey, các cân nhắc về ESG ngày càng ảnh hưởng đến quyết định của công ty, từ việc điều chỉnh chọn lựa đối tác, chuỗi cung ứng đến các chiến lược thu hút khách hàng, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ công ty có đội ngũ lãnh đạo hiểu về tác động của ESG lên tương lai doanh nghiệp của họ một cách toàn diện. Các nhà quản lý và người lao động cần phải hiểu sâu hơn về khuôn khổ ESG, cách triển khai và quản lý sự thay đổi từ ESG để có chuyển đổi tương ứng cho công việc.
Nghề chuyển đổi (transition jobs) là khái niệm đề cập đến các công việc mới mở ra cho người lao động ngay tại chính doanh nghiệp của mình do quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp, cũng như các cơ hội nghề nghiệp hoàn toàn mới đến từ xu hướng toàn cầu về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Các nghề chuyển đổi đòi hỏi kỹ năng truyền thống và cả kỹ năng mới. Các kiến thức và kỹ năng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) là nhóm kỹ năng đứng đầu danh sách theo LinkedIn Global Green Skill Report 2023, vì nhiều công việc xanh dựa trên nền tảng khoa học và toán học. Các kỹ năng số sử dụng các ứng dụng mới (công nghệ thông tin) cũng rất quan trọng, vì các công ty cần phát triển và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ để đạt được mục tiêu chuyển đổi số. Ngoài ra, có thể kể đến một số kỹ năng khác mà doanh nghiệp cần từ người lao động như AI, an ninh mạng, kế toán/kiểm toán carbon và kiểm toán phát triển bền vững doanh nghiệp, giám sát, giảm phát thải khí nhà kính...
Cấp quản lý làm nghề chuyển đổi cần có các kiến thức, kỹ năng quản lý sự thay đổi, quản lý chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, lập kế hoạch cho doanh nghiệp để ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, quản lý chuyển đổi phát triển bền vững, nắm bắt giám sát thực thi các tiêu chuẩn mới về môi trường và xã hội... theo tiêu chuẩn toàn cầu mà các thị trường xuất khẩu đang áp dụng.
Các cơ hội nghề chuyển đổi đang ngày càng gia tăng trên thị trường lao động toàn cầu. Theo báo cáo mới phát hành tháng 7/2024 của OECD, các nghề chuyển đổi sẽ sử dụng khoảng 20% lực lượng lao động tại các quốc gia thành viên OECD. Nhóm nghề nghiệp chuyển đổi bao gồm một số nghề liên quan đến biến đổi khí hậu như nhà khí tượng học, chuyên gia nông nghiệp, nhà cố vấn chính sách khí hậu, nhà sinh vật biển, đến một số nghề liên quan đến năng lượng tái tạo như chuyên viên năng lượng, chuyên viên phân tích tài chính dự án năng lượng, kỹ sư phân phối năng lượng tái tạo, nhà địa chất, kiểm toán viên năng lượng; hay các nghề liên quan đến phát triển bền vững như quản lý hay chuyên viên phát triển bền vững, kiểm toán phát triển bền vững, chuyên viên an toàn sức khỏe, môi trường ...
Nhưng vẫn thật khó để trả lời cho con trai của bạn, tôi chỉ có thể khuyên cháu trang bị các kiến thức và kỹ năng gần với nhu cầu chuyển đổi của doanh nghiệp theo xu hướng toàn cầu để cháu có thể linh động đáp ứng được. Và quan trọng hơn nữa là chuẩn bị một thái độ tốt để thích ứng được với các hoàn cảnh mới, kể cả nếu phải đối mặt với tình cảnh khó khăn nhất trong công việc.
Nguyễn Thu Hiền