Nhiều người đau dạ dày thường uống nghệ đen trộn mật ong và nghĩ rằng nghệ đen cũng giống nghệ vàng. Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nghệ đen không thể thay thế nghệ vàng. Tùy từng trường hợp có thể dùng riêng hay phối hợp hai loại nghệ với nhau để tăng tác dụng. Tuy nhiên, nghệ đen có tác dụng hoạt huyết phá ứ mạnh nên chống chỉ định với phụ nữ có thai và bị rong kinh.
Nghệ vàng thuộc họ gừng, được Đông y dùng làm thuốc chữa viêm gan, vàng da, chảy máu cam, sỏi mật, đau dạ dày, hạ mỡ máu... Củ nghệ có vị cay đắng, tính bình, tác dụng hoạt huyết, làm tan máu, tan ứ và giảm đau. Củ con của cây nghệ vàng có vị cay ngọt, tính mát, làm mát máu, an thần...
Nghệ đen còn gọi là nghệ xanh, chứa nhiều tinh dầu, vị đắng, mùi hăng có tính ấm, thông huyết, tiêu thực, tiêu viêm, tiêu xơ. Loại nghệ này thường được dùng dạng tinh dầu nguyên chất bôi lên da chữa vết thâm tím và các bệnh về da. Ăn bột nghệ đen có thể hỗ trợ chữa đau bụng kinh, ăn không tiêu, đầy bụng, nôn mửa...
Bác sĩ y học cổ truyền Nguyễn Thùy Ngân cho biết bột nghệ chỉ hỗ trợ điều trị, không phải là thuốc. Vì vậy, người bệnh chỉ dùng riêng bột nghệ thì hiệu quả sẽ không cao mà cần phải phối hợp với các loại thuốc đặc trị bệnh. Trong Đông y, sử dụng thuốc nào cũng cần có liều lượng phù hợp với từng thể trạng, cơ địa... theo chỉ định của bác sĩ.
Để giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh dạ dày, nên ăn uống điều độ, giảm stress, không thức khuya, không ăn đồ quá mặn, tập thể dục, yoga, thiền, ngủ đủ giấc giúp niêm mạc dạ dày kịp thời phục hồi, bác sĩ Ngân khuyên.