"Cây cầu đó là thực thể bất hợp pháp. Do đó, nó phải được tháo dỡ. Không quan trọng bằng cách nào, dù tình nguyện hay không", ông Mykhaylo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết hôm 17/8.
Ông Podolyak nhắc tới cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea và khu vực đất liền Nga, ám chỉ cây cầu này có thể trở thành mục tiêu quân sự của lực lượng Ukraine.
Nga chưa phản hồi về phát ngôn của ông Podolyak.
Cầu Crimea, còn được gọi là cầu Kerch, được khởi công hai năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thông qua trưng cầu dân ý năm 2014 và hoàn thiện năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Với chiều dài 19 km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép ôtô và tàu hỏa qua lại.
Hồi tháng 4, Olga Kovipris, thượng nghị sĩ đại diện cho bán đảo Crimea, tuyên bố cầu Crimea được bảo vệ bởi nhiều lớp phòng thủ, trong đó có các đơn vị phòng không. Bà khẳng định cây cầu này "bất khả xâm phạm".
Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi người dân sống trên bán đảo Crimea "tránh xa các căn cứ của Nga", cảnh báo rằng những nơi này cũng có thể "phát nổ". Kiev không công nhận việc Crimea sáp nhập vào Nga và gọi bán đảo là "lãnh thổ bị chiếm đóng".
Lãnh đạo Crimea Sergei Aksyonov cùng ngày cho biết cơ quan an ninh Nga đã dẹp "nhóm khủng bố Hồi giáo" gồm 6 người trên bán đảo và cáo buộc nhóm người này nghe theo chỉ thị từ Ukraine. Ông không nói rõ những người này có liên quan đến các vụ nổ gần đây ở Crimea hay không. Kiev chưa bình luận về vấn đề này.
CNN trong khi đó đưa tin đã được một quan chức Ukraine chia sẻ báo cáo lưu hành nội bộ của chính phủ nước này, thừa nhận Kiev đứng sau ba vụ nổ ở Crimea tuần qua, trong đó có vụ nổ ở căn cứ không quân Saki.
Chiến trường ở miền nam Ukraine tiếp tục là điểm nóng chiến sự khi Kiev đang quyết tái kiểm soát khu vực này từ Nga. Quân đội Ukraine hôm 17/8 tuyên bố đã tấn công vào một căn cứ của Nga ở thành phố Novaya Kakhovka, tỉnh Kherson, nơi Moskva đang kiểm soát.
"Căn cứ của những kẻ chiếm đóng đã bị phá hủy ở Nova Kakhovka. Ít nhất 12 người đã thiệt mạng", lực lượng Biên phòng Ukraine đăng trên Telegram, kèm video cho thấy nhiều xe bị thiêu rụi và các tòa nhà đổ sập, ngổn ngang mảnh vỡ.
Nga chưa phản hồi về thông tin.
Thị trưởng Ivan Fedorov của Melitopol, thuộc tỉnh Zaporizhia, đông nam Ukraine, đăng trên Telegram rằng xuất hiện "loạt tiếng nổ lớn gần căn cứ của đối phương" ở trung tâm thành phố.
Thị trưởng Fedorov nói thêm rằng ông đang chờ thêm thông tin chi tiết về bất cứ tổn thất nào mà lực lượng Nga phải gánh chịu. Moskva không phản hồi về vụ nổ.
Một trong những loại vũ khí được chú ý nhiều nhất trên chiến trường Ukraine là pháo phản lực HIMARS. Ukraine đã nhận được ít nhất 20 tổ hợp do Mỹ cung cấp. Đây được coi là vũ khí hiện đại bậc nhất của quân đội Ukraine và được lực lượng này sử dụng để tấn công các kho đạn, đơn vị chỉ huy cùng hệ thống phòng không của Nga.
Moskva nhiều lần tuyên bố phá hủy một số hệ thống HIMARS. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 17/8 khẳng định nước này chưa để mất tổ hợp nào.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Marcin Przydacz chỉ trích Thủ tướng Đức Olaf Scholz vì phản đối đề xuất dừng cấp thị thực EU cho công dân Nga.
Trong cuộc họp báo hôm 15/8, Thủ tướng Đức nói rằng xung đột Ukraine "không phải chiến sự của nhân dân Nga, mà là chiến sự của ông Putin".
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan chỉ trích phát biểu này, cáo buộc Thủ tướng Đức không đọc thông tin về sự ủng hộ to lớn từ người dân Nga với chính sách của Tổng thống Putin.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) tính tới ngày 15/8 ghi nhận 13.212 dân thường thương vong, trong đó 5.514 người thiệt mạng, kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine hôm 24/2. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo gần 10,7 triệu lượt người rời Ukraine và hơn 4,5 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong gần 6 tháng xung đột. Cơ quan này ghi nhận gần 6,4 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.
Ngọc Ánh (Theo Guardian/Reuters/AFP)