Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 7/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị cộng đồng quốc tế áp lệnh trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân của Nga.
Lời kêu gọi phản ứng mạnh mẽ hơn với Moskva được ông Zelensky đưa ra sau khi giới chức Ukraine cáo buộc Nga "pháo kích nhà máy điện Zaporizhzhia", làm ba cảm biến bức xạ bị hỏng và một công nhân bị thương. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nhà máy điện Zaporizhzhia bị tập kích trong vụ tấn công mà Kiev gọi là "hành vi khủng bố hạt nhân".
Tuy nhiên, giới chức thành phố Energodar do Nga bổ nhiệm, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, tuyên bố "quân đội Ukraine thực hiện đợt tập kích bằng bom chùm phóng từ pháo phản lực Uragan".
"Mảnh đạn và động cơ rocket rơi cách một lò phản ứng đang hoạt động khoảng 400 m. Vụ tập kích làm hư hại các tòa nhà hành chính và trúng khu vực cất trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng", quan chức thành phố Energodar cho biết.
Nga kiểm soát Zaporizhzhia, nhà máy điện lớn nhất Ukraine, từ ngày đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Cơ sở này gần đây bị tập kích khiến một số công trình bị hư hại và một lò phản ứng phải ngừng hoạt động.
Các sự kiện tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia khiến cộng đồng quốc tế báo động. Rafael Mariano Grossi, lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cảnh báo "điều này nhấn mạnh nguy cơ rất lớn của một thảm họa hạt nhân".
Quân đội Ukraine cho biết lực lượng Nga đã tăng cường các đợt tiến công vào khu vực phía bắc và tây bắc thành phố Donetsk, thủ phủ tỉnh cùng tên ở vùng Donbass. Lực lượng Nga tấn công các vị trí của Ukraine gần khu dân cư Piski và Avdiivka, cũng như pháo kích các địa điểm khác trong tỉnh Donetsk.
Kiev nhận định Nga đang tăng cường lực lượng ở miền nam Ukraine để ngăn chặn cuộc phản công tiềm tàng của nước này gần Kherson.
Nga chưa bình luận về thông tin của Ukraine.
Bô Quốc phòng Nga ngày 7/8 thông báo quân đội nước này phá hủy một kho vũ khí chứa 45.000 tấn đạn dược mà NATO cung cấp cho Ukraine gần Voznesensk, tỉnh Mykolaiv. Lực lượng Nga cũng phá hủy 5 kho đạn cùng một tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M1 của Ukraine tại các khu vực khác.
Cơ quan này nhận định lực lượng Ukraine "chịu tổn thất nặng và phải thực hiện nhiều biện pháp để bù đắp nhân sự còn thiếu của các đơn vị trên chiến trường Donbass", trong đó có điều lên tuyến đầu các tân binh chưa hoàn thành khóa huấn luyện cùng "những người chưa hoàn thành phục hồi chức năng sau khi bị thương".
Ukraine không bình luận về thông tin của Bộ Quốc phòng Nga.
Giới chức tỉnh Kherson, khu vực do Nga kiểm soát, ngày 7/8 thông báo Vitaly Gura, phó chánh văn phòng vùng Kakhovka được Moskva bổ nhiệm, qua đời trong bệnh viện sau khi bị bắn một ngày trước đó.
Ông Gura bị bắn vào sáng 6/8, sau đó được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch. Vladimir Leontiev, lãnh đạo chính quyền vùng Kakhovka, nói thủ phạm dùng súng ngắn và súng tiểu liên nã đạn vào ông Gura. Một nguồn tin cho biết ông Gura bị bắn gần nhà riêng.
Sau hơn 5 tháng chiến sự, giới chức phương Tây cho rằng Nga đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và khí tài, điều có thể mang lại cơ hội tốt để phản công cho Ukraine.
Tình báo phương Tây nhận định các dấu hiệu về những vấn đề của Nga gần đây tăng lên như đạn pháo bắn trượt mục tiêu, những cuộc điện đàm bị chặn thu cho thấy nhiều quân nhân phàn nàn về các xe tăng cũ và tỷ lệ thương vong tăng lên. Tuy nhiên, Nga có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong xây dựng lại chiến lược, ít nhất là về ngắn hạn.
Julian E. Barnes và Eric Schmitt, hai nhà phân tích của NY Times, nhận định cả Nga và Ukraine đã mất hàng nghìn quân, trong đó có cả lực lượng tinh nhuệ và thiện chiến nhất, khi những trận đấu pháo đã phá hủy nhiều thành phố và thị trấn ở vùng Donbass.
Những biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây khiến các hãng sản xuất vũ khí Nga chịu áp lực, ít nhất trong thời gian ngắn, khiến họ giảm hoặc ngừng sản xuất đạn dẫn đường có độ chính xác cao hoặc các loại đạn tiên tiến khác.
Tình trạng thiếu đạn khiến lực lượng Nga phải ngắm mục tiêu cẩn trọng hơn, hạn chế tấn công các đoàn xe đang di chuyển, thay vào đó pháo kích các mục tiêu cố định của Ukraine.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ghi nhận hơn 5.300 dân thường thiệt mạng và hơn 7.300 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo hơn 10,3 triệu lượt người rời Ukraine và hơn 4,2 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong hơn 5 tháng xung đột. Cơ quan ghi nhận hơn 6,3 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, Zvezda)