Roman Vlasenko, lãnh đạo chính quyền quân sự Severodonetsk, xác nhận làng Toshkivka đã "hoàn toàn do người Nga kiểm soát", thêm rằng giao tranh tại vùng Donbass, miền đông Ukraine, vẫn tiếp diễn ác liệt.
Toshkivka, ngôi làng có khoảng 5.000 cư dân trước chiến tranh, cách thành phố Severodonetsk khoảng 25 km về phía nam, nơi lực lượng Nga dồn lực chiến đấu suốt nhiều tuần qua.
"Toàn bộ khu vực Lugasnk giờ là tâm điểm cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine", ông Vlasenko nói.
Việc chiếm được làng Toshkivka sẽ tạo lợi thế giúp Nga kiểm soát Lysychansk, thành phố "chị em" với Severodonetsk ở tỉnh Lugansk. Rodion Miroshnik, đại diện tại Nga của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, cho biết các lực lượng ly khai đang cơ động từ phía nam về phía Lysychansk, với những cuộc đấu súng nổ ra ở một số thị trấn ngoại ô.
Thành phố công nghiệp Lysychansk, nằm đối diện với Severodonetsk qua sông Donets, đang chịu tàn phá nghiêm trọng vì pháo kích của Nga. Tỉnh trưởng Lugansk Sergiy Gaiday cho biết đạn pháo không ngừng trút xuống Lysychansk hôm 20/6, phá hủy 10 khu dân cư và một đồn cảnh sát, khiến ít nhất một người chết.
Ông nói thêm "giao tranh ác liệt" vẫn tiếp diễn tại nhà máy hóa chất Azot ở thành phố Severodonetsk, nơi hàng trăm dân thường được cho là vẫn còn mắc kẹt.
Quân đội Ukraine cho biết họ đã triển khai Panzerhaubitze 2000, một hệ thống pháo tiên tiến của Đức, nằm trong lô hàng vũ khí chính xác tầm xa mới nhất mà nước này nhận được.
Đức tháng trước cho biết đã gửi 7 tổ hợp lựu pháo tự hành tới Ukraine, nhằm tăng cường hỗ trợ vũ khí hạng nặng của phương Tây để giúp Kiev chiến đấu với lực lượng Nga.
Trong khi đó, tại miền nam Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga hôm 21/6 cho biết tên lửa của họ đã tấn công một sân bay gần cảng Odessa để đáp trả một cuộc tấn công của Ukraine vào giàn khoan dầu ở Biển Đen.
Dù giao tranh dường như diễn ra theo hướng có lợi cho Nga trong những tuần gần đây nhờ hỏa lực pháo binh của nước này, một số nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng việc Nga đến nay không đạt đột phá lớn đồng nghĩa cục diện đang dần bất lợi cho Moskva.
Mark Hertling, trung tướng Mỹ về hưu và cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu, nói Nga đang cạn nguồn lực chiến đấu, trong khi Ukraine ngày càng nhận nhiều khí tài mới và tốt hơn từ phương Tây.
"Đó là một trận đấu quyền anh hạng nặng. Trong gần 4 tháng giao tranh, hai bên vẫn chưa tung ra được đòn đo ván nào. Điều đó sẽ đến khi Nga ngày càng cạn kiệt nguồn lực", Hertling cho hay.
Tại Moskva, Tổng thống Vladimir Putin ca ngợi các binh sĩ đang chiến đấu ở Ukraine như những "anh hùng thực thụ", đồng thời khẳng định Nga sẽ tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng vũ trang. Ông nói tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat mới có khả năng mang hơn 10 đầu đạn hạt nhân sẽ được triển khai vào cuối năm 2022.
Từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine" hôm 24/2, lực lượng Nga thường xuyên sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tập kích các vị trí của Ukraine, cũng như vài lần phóng tên lửa siêu vượt âm.
Giới chức Mỹ hồi cuối tháng 5 cho rằng các loại vũ khí Nga sử dụng để tập kích Ukraine "nhìn chung thiếu chính xác, nhưng đáng chú ý là họ đã phóng tới 1.500 tên lửa" từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Họ đánh giá chiến sự Nga - Ukraine là thời gian các bệ phóng tên lửa hoạt động với công suất cao nhất từ sau Thế chiến II.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ước tính tới nay đã có 10.308 dân thường thương vong, trong đó 4.597 người thiệt mạng do chiến sự ở Ukraine.
Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) cho biết hơn 7,7 triệu người đã rời Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, trong khi hơn 7 triệu người trong nước phải rời bỏ nhà cửa.
Thanh Tâm (Theo Reuters, AFP)