Nhiều em được cha mẹ đưa đi học bằng xe máy, trong khi những bé dạn hơn tự đi xe đạp. Các hàng xôi, bánh canh đông thực khách nhí mặc quần xanh, áo trắng. Những con hẻm trên xã đảo huyên náo hơn ngày thường.
Tự giác dậy rất sớm, Nguyễn Thị Phương Quy (học sinh lớp 1, Tiểu học Thạnh An), giục bà ngoại sửa soạn sách vở đi học. Bộ đồng phục tinh tươm được mua từ hai tháng trước, nay cô bé mới có dịp mặc lần đầu. "Con muốn đi học, muốn được gặp bạn", Quy nói trong khi được bà dắt tay.
Hơn một tháng nay, Quy tự học ở nhà với sự hướng dẫn của cô giáo, do gia đình không có điện thoại thông minh. Bà Lê Thị Gái (56 tuổi, ngụ ấp Thạnh Bình) - bà ngoại Quy - cho biết, từ đầu năm học đến nay, ba mẹ Quy đi làm xa, bị mắc kẹt ở Đồng Nai. Bà Gái thừa nhận "không biết gì để dạy cháu" nên ngóng tin trường mở cửa từng ngày. "Tôi mừng quá, cháu đi học sẽ được cô dạy lại chữ, tập đếm chứ ở nhà miết không biết xoay xở ra sao", bà Gái nói.
Quy là một trong số hơn 110 học sinh ở bốn lớp khối 1-2 của Tiểu học Thạnh An được đến trường hôm nay. Bước vào trường, học sinh đi thành hai lối, được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Nhiều học sinh lớp 1 bỡ ngỡ lần đầu đến trường, không nhớ tên lớp, phải đọc tên cô chủ nhiệm để được hướng dẫn vào đúng chỗ. Ở mỗi lớp, học sinh được bố trí ngồi giãn cách, đeo khẩu trang.
Học sinh được cô giáo chủ nhiệm chào đón bằng bức tranh và dòng chữ "Chào đón các con" vẽ bằng phấn màu trên bảng. Lần đầu gặp cô giáo, một số trẻ tỏ ra rụt rè dù trước đó đã làm quen với cô qua các buổi học trực tuyến trên Zoom.
Các cô giáo dành tiết học đầu tiên thăm hỏi học trò, dặn các em luôn đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách. Cô Đỗ Thị Lệ (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2) cho biết sẽ dành một tuần đầu ôn tập lại tất cả bài học đã dạy trực tuyến, rèn trẻ viết chữ. Theo cô Lệ, dù học trực tuyến, nhiều em chưa nắm vững được kiến thức. "Tôi hy vọng những ngày học tới suôn sẻ để cô và trò hoàn thành tốt năm học", cô Lệ chia sẻ.
Trong khi đó, khuôn mặt cô Đỗ Trần Thanh Thi (giáo viên lớp 1/1) rạng rỡ khi được gặp đông đủ học trò. Lớp có 24 học sinh, nhiều phụ huynh các em trong lớp làm nghề đánh cá, vắng nhà cả ngày nên không có thời gian kèm con học online. Cô tập trung dạy bù vào buổi tối. "Do học trực tuyến nên trình độ các em trong lớp phân hoá. Hiện có bé học nhanh, đã thông thạo nhiều chữ, số nhưng có em yếu hơn, nên thời gian ban đầu tôi sẽ tập trung kèm cho các em yếu", cô Thi nói.
Theo cô giáo, thời gian tới việc học sẽ vất vả hơn với hai nhiệm vụ dạy học và phòng chống dịch bệnh. Nhưng cô giáo tin sẽ vượt qua được khó khăn bởi như nhiều đồng nghiệp trên đảo, được thấy học trò đi học đông đủ là niềm hạnh phúc.
Lãnh đạo trường Tiểu học Thạnh An cho biết, ngoài tổ chức phân luồng đưa đón, học sinh cũng được bố trí lệch giờ khi ra về. Trường có tổ an toàn Covid-19 với kế hoạch dự phòng xử lý tình huống liên quan đến dịch.
Cũng trong buổi sáng, trường THCS-THPT Thạnh An phân luồng cho học sinh theo 3 cổng ở năm lớp khối 6-9-12. Theo kế hoạch, 131 em sẽ trở lại trường nhưng sáng nay vắng 9 em.
Thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng THCS-THPT Thạnh An cho biết, trong tuần đầu, giáo viên sẽ củng cố kiến thức đã dạy online trong hơn một tháng qua. Các em được học hai buổi một ngày, buổi sáng 4 tiết, chiều 3 tiết.
Trong sáng nay, chuyến đò đầu tiên trong ngày cũng đưa hơn 10 em học sinh trung học ở ấp đảo Thiềng Liềng lên Thạnh An. Huỳnh Trường Giang, học sinh lớp 12 cho biết thức dậy từ 4h chuẩn bị ăn uống, sách vở. "Được học tập trung em rất vui, nhất là khi em đã học lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng", Giang nói.
Cùng với lộ trình nới dần một số hoạt động kinh tế, xã hội, sản xuất, Cần Giờ có chủ trương cho học sinh học tập trung trở lại khi huyện đạt tiêu chí kiểm soát dịch. Để đi đến quyết định mở cửa trường học ở Thạnh An ngày 20/10, TP HCM cân nhắc kỹ lưỡng từ khảo sát của Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Cuối tuần trước, khi kiểm tra hai trường tại xã đảo Thạnh An, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức lưu ý địa phương các biện pháp xây dựng phải có tính khả thi, dài hạn. Phương án mở cửa trường học phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, tạo điều kiện cho thầy cô dạy học, không quá căng thẳng mà gây áp lực, gây khó cho học sinh, giáo viên.
Ảnh: Học sinh xã đảo Thạnh An đi học trực tiếp
Mạnh Tùng
Ảnh: Quỳnh Trần