9 ngày sau khi có kháng nghị của TAND Cấp cao, phiên giám đốc thẩm vụ án lùi xe trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội làm bốn người chết sẽ mở ngày 30/11.
Vụ án đã trải qua 8 lần sơ thẩm, bốn phiên phúc thẩm. Tại phiên phúc thẩm mở đầu tháng 11, TAND Thái Nguyên tuyên bản án 6 năm tù cho Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, tài xế xe container) và 9 năm tù cho Ngô Văn Sơn (40 tuổi, tài xế xe Innova).
Bản án gây nhiều tranh cãi. TAND Cấp cao rút hồ sơ để xem xét lại. Ngày 21/11 TAND Cấp cao tại Hà Nội ra kháng nghị yêu cầu làm rõ điểm va chạm đầu tiên của hai chiếc xe; xác định khoảng cách giữa hai xe trước khi va chạm và điểm tài xế container nhấn phanh. Những vấn đề này khi được xác minh mới có căn cứ cáo buộc Hoàng không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật trên đường và không đảm bảo khoảng cách an toàn khiến xảy ra tai nạn.
Quyết định kháng nghị cũng yêu cầu làm rõ thời điểm mất tín hiệu 52 giây tại thiết bị giám sát hành trình thì xe container đang ở vị trí nào, tốc độ bao nhiêu? Khi cách xe Innova bao nhiêu mét, tài xế Hoàng rà phanh, định chuyển làn?
TAND Cấp cao cho rằng cơ quan điều tra chưa làm rõ xe Innova lùi từ vị trí nào, tốc độ bao nhiêu? Khi bị đâm, xe ở làn đường nào vã đã lùi được bao nhiêu thời gian? Quy định về tốc độ tối đa, tối thiểu giữa các phương tiện chạy trên đường cao tốc và hiệu lực của 6 biển báo ven đường với xe đầu kéo cũng bị yêu cầu có câu trả lời.
Theo hồ sơ, khoảng 15h30 ngày 19/11/2016, Sơn đang chở 10 người trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội thì phát hiện đi qua lối ra khỏi đường cao tốc thuộc nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Sơn lái xe vào làn đường trong cùng bên phải, lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để ra khỏi nút giao Yên Bình.
Trong lúc này, xe Sơn bị xe đầu kéo của Hoàng đâm vào đuôi, hất văng. Vụ tai nạn khiến ba người lớn và một bé trai tử vong, sáu người còn lại bị thương.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong giải quyết vụ án. Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án của TAND cấp tỉnh, huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.