Ngày 5/11, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết đã chỉ đạo rút hồ sơ vụ án lùi xe trên cao tốc làm bốn người chết, hai người bị phạt tù. TAND Tối cao cũng yêu cầu TAND tỉnh Thái Nguyên báo cáo vụ việc và giao phòng nghiệp vụ xem xét toàn bộ hồ sơ.
Theo ông Tuệ, khi TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên án 6 năm tù với bị cáo Lê Ngọc Hoàng (tài xế xe đầu kéo), nhiều người không đồng tình với phán quyết này. "Nguyên tắc của tòa án khi xét xử là không làm oan người vô tội. Nếu xét thấy có dấu hiệu oan, sai chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý", ông nói.
Cùng ngày, Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Chung cho biết đã có báo cáo lên TAND Tối cao. "Việc xét xử là trách nhiệm của HĐXX, độc lập, khách quan và tuân theo pháp luật. Hiện thẩm quyền xử lý vụ việc thuộc về TAND Cấp cao tại Hà Nội, TAND Tối cao và VKSND cấp cao, VKSND Tối cao", ông Chung nói.
Trước đó, trong hai ngày, 1-2/11, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên phúc thẩm theo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan của bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi) và Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi). Tại phiên sơ thẩm mở tháng 5, cả hai bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo điều 202 Bộ Luật hình sự 1999. Vụ án còn có đơn kháng cáo của ba bị hại và một bị đơn dân sự.
Theo cáo buộc, sáng 19/11/2016, bị cáo Sơn nhận hợp đồng chở 10 khách từ Bắc Ninh về thành phố Thái Nguyên ăn cưới. Khoảng 15h30 cùng ngày, qua lối ra khỏi đường cao tốc thuộc nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), bị cáo đi chậm để hỏi đường rồi lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để ra khỏi nút giao Yên Định.
Đang lùi thì chiếc Innova của Sơn bị xe đầu kéo của Hoàng đâm vào đuôi, hất văng. Vụ tai nạn khiến ba người lớn và một bé trai tử vong, sáu người còn lại bị thương.
Nhà chức trách cáo buộc, Sơn chở quá số người quy định, vi phạm luật giao thông khi đỗ, lùi trên cao tốc. Hoàng vi phạm quy định về tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước. Khi cách xe Sơn chừng 10 m, Hoàng không phanh kịp để tránh.
Trả lời thẩm vấn tại phiên phúc thẩm, bị cáo Sơn cho biết, chỉ nhớ là lùi nhanh chứ không biết đã lùi được bao nhiêu mét. Sơn cũng đã bật cảnh báo khẩn cấp, nhìn qua gương và camera lùi song không thấy chướng ngại vật đến khi xảy ra va chạm.
Bị cáo Hoàng (người điều khiển xe đầu kéo) khai di chuyển với tốc độ khoảng 60-65 km/h trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội thì bất ngờ thấy xe Innova lùi sang làn đường anh đang di chuyển. Hoàng sau đó rà phanh và tai nạn xảy ra.
Hoàng cho rằng "không thể" có việc anh đang đi ở tốc độ 62 km/h sau đó đâm vào xe Innova rồi về 0 km/h, như cáo buộc của cơ quan công tố. Bởi xe đang đi với tốc độ cao không thể đột ngột dừng.
Còn giám định viên của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) khẳng định, dữ liệu giám sát hành trình cho thấy xe đầu kéo đang chạy tốc độ 62 km/h và giây tiếp theo đã về 0 km/h.
TAND tỉnh Thái Nguyên nhận định, Hoàng đã không quan sát, không giảm tốc độ về mức an toàn để đến khi cách 30 mét mới phát hiện có xe đang lùi, tuy nhiên cần giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
HĐXX tuyên Sơn 9 năm, Hoàng 6 năm tù. Sơn phải chịu 2/3 trong tổng số 1,4 tỷ đồng bồi thường cho gia đình các bị hại.
Kháng cáo đến cùng
Chị Vũ Thị Thuý (vợ bị cáo Hoàng) cho biết sẽ làm đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án này để "minh oan cho chồng". Ngay sau khi TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên án, chị đã nói với chồng về việc kháng án và được đồng ý.
"Bản án không thuyết phục. Anh Hoàng đã tuân thủ đúng làn đường và tốc độ cho phép trên đường cao tốc. Khi phát hiện xe Innova, anh cũng tận dụng mọi kỹ năng có thể để xử lý tình huống nhưng vụ tai nạn là bất khả kháng", chị Thuý nói và cho hay bất bình trước việc toà phúc thẩm giảm một phần hình phạt cho anh Hoàng song lại tăng mức bồi thường dân sự.