Ngày 13/11, đại diện TAND Tối cao cho biết đã họp xem xét hồ sơ vụ án lùi xe trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội khiến bốn người chết. Vụ án trải qua 8 lần sơ thẩm, bốn phiên phúc thẩm với bản án 6 năm tù cho bị cáo Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, tài xế xe container) và 9 năm tù với tài xế Ngô Văn Sơn (40 tuổi, tài xế xe Innova) được tuyên vào đầu tháng 11.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trong sáng 13/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết tham gia cuộc họp là những người có chuyên môn về pháp luật, cán bộ ở cơ quan điều tra, Viện KSND cấp cao, Tối cao, thẩm phán của Tòa án Tối cao, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Kỹ thuật hình sự, cơ quan khám nghiệm hiện trường...
Cuộc họp nhận nhiều ý kiến giúp cho tòa án có nhiều thông tin để quyết định sát với thực tế. Nhiều nội dung, vi phạm đã được khẳng định song có những vấn đề cần tiếp tục làm rõ.
Theo ông Bình, những vi phạm đã được khẳng định là tài xế xe Innova Ngô Văn Sơn đã uống rượu, lùi xe trên đường cao tốc, chở khách quá số lượng. Nội dung được nêu ra trong quá trình tranh tụng chưa được giải quyết gồm: thiết bị an toàn của container, điểm va chạm đầu tiên của hai xe, tốc độ lùi xe của Innova.
Ông Bình cho rằng những nội dung nêu trên không đơn thuần là vấn đề pháp lý mà mang tính kỹ thuật nên rất cần ý kiến của chuyên gia giao thông.
"Trên cơ sở cuộc họp hôm qua, chúng tôi yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của TAND Tối cao nghiên cứu kỹ hồ sơ. Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, thậm chí có nội dung phải trưng cầu giám định lại. Thời gian nghiên cứu khoảng một tuần, sau đó sẽ kết quả", Chánh án nói.
Theo ông, vụ án mang tính pháp lý nhưng cũng mang tính kỹ thuật rất cao vì thế cần phải xử lý không chỉ đúng pháp luật mà còn khoa học, thận trọng khách quan. "Nếu tòa án các cấp đã đúng chúng ta tôn trọng, còn sai thì sửa. Việc đánh giá phải đủ thông tin và khoa học", ông nói và cho hay với việc chỉ ra lỗi của xe container cần chờ đánh giá thêm.
Cùng ngày 13/11, chị Lê Thị Thuý (vợ tài xế xe container) cho biết đã có đơn kiến nghị giám đốc thẩm lên TAND cấp cao tại Hà Nội.
Trước đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã yêu cầu TAND Thái Nguyên chuyển toàn bộ hồ sơ gốc liên quan vụ án để xem xét.
Theo hồ sơ vụ án, sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn (40 tuổi) nhận hợp đồng chở 10 khách từ Bắc Ninh về thành phố Thái Nguyên ăn cưới. Khoảng 15h30 cùng ngày, qua lối ra khỏi đường cao tốc thuộc nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), Sơn xi nhan rồi lái xe vào làn đường trong cùng bên phải. Sau khi hỏi đường, nam tài xế lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để ra khỏi nút giao Yên Bình.
Đang lùi thì chiếc Innova của Sơn bị xe đầu kéo của Hoàng đâm vào đuôi, hất văng. Vụ tai nạn khiến ba người lớn và một bé trai tử vong, sáu người còn lại bị thương.
Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên kết luận, Hoàng không chú ý quan sát, không giảm tốc độ về mức an toàn để đến khi cách 30 mét mới phát hiện có xe đang lùi. Hoàng phạm lỗi vô ý, quá tự tin. Còn Sơn lùi xe ở nơi cấm, lái xe khi hơi thở có nồng độ cồn và chở quá số người quy định.
Dù bản án có hiệu lực, việc tài xế xe container Hoàng có chú ý quan sát, giảm tốc độ hay không trước thời điểm xảy ra tai nạn vẫn là câu hỏi gây nhiều tranh cãi.
Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) dựa trên bảng dữ liệu hành trình và tốc độ từng giây, không xác định được thời điểm xảy ra tai nạn. Xe đầu kéo tại thời điểm 15h38'59'' vận tốc là 62km/h, một giây sau đó, vận tốc xe bằng 0km/h. Ngay lúc trước về 0km/h, xe của Hoàng không giảm tốc độ.
Qua giám định còn phát hiện thời gian mất dữ liệu của bộ thiết bị giám sát hành trình là 52 giây bắt đầu từ 15h39phút2 giây. Bản giám định nêu, không xác định được nguyên nhân mất dữ liệu và không xác định vận tốc lùi của xe Innova.
Bào chữa cho bị cáo Hoàng, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng: Lẽ ra khi đã mất dữ liệu và không xác định được nguyên nhân, nhà chức trách không nên kết luận "ngay trước khi tốc độ về 0km/h ôtô không giảm tốc độ". Trong 52 giây mất dữ liệu đó có thể thiết bị giám sát hành trình ghi nhận được sự giảm tốc độ.
"Chính câu chữ kết luận này là một trong những lý do khiến cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm và kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm cáo buộc lái xe Hoàng không giảm tốc độ mà đạp phanh chết khi thấy có ôtô đang lùi", luật sư Thanh nói.